Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam.
Dự luật được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo là: Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng. Xác định bảo đảm an ninh mạng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, giao Bộ Công an chủ trì, đặt dưới sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp mới; cụ thể hóa đầy đủ các quy định có tính đổi mới của Hiến pháp, nhất là quy định về bảo vệ Tổ quốc và quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xác định hợp lý mối quan hệ giữa Luật này và các luật liên quan. Kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định đã bộc lộ những hạn chế...
Mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành. Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội trường bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; cho rằng tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.
Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.
Tuy nhiên cũng có một số ý còn băn khoăn với việc ban hành Luật, vì cho rằng, an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia nên phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An ninh quốc gia; còn việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.
Đại biểu Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát vì bố cục còn dàn trải, nhiều chỗ còn chưa nhất quán, sử dụng từ dễ gây nhầm lẫn, còn trùng lặp,…
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Dương Đình Thông (Bắc Giang) và một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu quan điểm: Trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật cần hết sức quan tâm đến sự phù hợp của Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Đề cập đến chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, có ý kiến đề nghị rà soát các chính sách trong Luật nhằm lược bỏ những nội dung không liên quan đến chính sách về an ninh mạng. Đồng thời, bổ sung các chính sách về an ninh mạng như chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng an ninh mạng; chính sách đầu tư, bố trí kinh phí để bảo vệ an ninh mạng...
Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến cho rằng, các hành vi bị nghiêm cấm còn quy định chung chung, đề nghị quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị rà soát các hành vi phạm tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự đưa vào quy định cấm trong Luật, trong đó có hành vi trực tiếp xâm phạm đến lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; có hành vi sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông để phạm tội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng; bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng;…