Bộ trưởng Công an: 'Chặn Internet thì ta không chơi được với ai'

Thượng tướng Tô Lâm nói dòng chảy thông tin giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người, "phải làm sao để không bị nghẽn mạch".
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, khẳng định không vì an ninh mạng mà không ứng dụng tiến bộ của mạng internet. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, khẳng định không vì an ninh mạng mà không ứng dụng tiến bộ của mạng internet.

Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng. Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, cho biết Bộ được phân công chủ trì soạn thảo dự luật này và đã rất thận trọng trong thực hiện, vì đây là nội dung liên quan đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân. 

"Đây cũng là vấn đề rất khó, không chỉ Việt Nam mà với thế giới", Bộ trưởng nói.

Đối với dự luật An ninh mạng, Bộ trưởng cho biết, đầu tiên, cơ quan soạn thảo xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống. Lĩnh vực này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế, và chỉ một quốc gia thì không thể giải quyết được, đòi hỏi có sự hợp tác của nhiều nước.

"Kỹ thuật công nghệ như nước Mỹ, nhưng cũng phải hợp tác về an ninh mạng. Nhiều nước khác và ta cũng tương tự", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo ông, trong an ninh mạng phải đảm bảo cả bí mật đời tư của người dân chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia.

Về phía Bộ Công an đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, Internet. Mạng internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, giao lưu chung, giúp năng suất lao động cao.

Vì vậy, không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. 

"Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới", Thượng tướng Tô Lâm nói.

Tuy nhiên, ông cho biết, khi vào cuộc chơi chung thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu "chúng ta không làm chủ".

Một vị lãnh đạo Chính phủ Singapore có lần chia sẻ với ông là thậm chí ngôi nhà của mình trong thời hiện đại cũng có thể không phải của mình nữa, vì với các ứng dụng mạng, ông hàng xóm có thể xâm nhập được vào, biết được bí mật gia đình. 

Trong điều kiện Việt Nam đang phát triển Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0...,  thì các nội dung điều chỉnh đều là ứng dụng mạng. 

"Vì vậy, cơ quan soạn thảo nhất quán phát triển được đến đâu phải đảm bảo an ninh an toàn đến đấy. Hai nội dung này song hành với nhau", Bộ trưởng Công an khẳng định.

Dòng chảy thông tin như hệ tuần hoàn của cơ thể người

Theo Thượng tướng Tô Lâm, cơ quan soạn thảo quan niệm dòng chảy của thông tin giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu và hệ tuần hoàn càng lưu thông, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh.

An ninh, an toàn phải làm sao để hệ tuần hoàn đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ, tắc nghẽn. 

"Dòng máu đó phải làm sao có nhiều oxy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thể, chứ máu đỏ ít, máu đen thì nhiều, oxy ít, cacbonic nhiều thì rất nhức đầu, hệ thần kinh bị ảnh hưởng ngay. Nôm na là an ninh mạng phải giữ được hệ tuần hoàn thông suốt", ông nói.

Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng cũng có tội phạm đó. Đời thực xử lý được thông qua thu thập được chứng cứ, có hiện trường nhưng trên mạng là chứng cứ ảo, chứng cứ số. "Khi nó bị xóa đi có thể dùng khoa học kỹ thuật để khôi phục lại. Vì vậy, để phục vụ điều tra, xét xử thì chứng cứ số cũng là vấn đề, phải quy định, nếu không xử lý rất khó khăn", ông nói.

"Cấm mạng xã hội chỉ khiến xã hội bế tắc thêm"

Cũng góp ý vào dự thảo Luật an ninh mạng, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam...

"Từ quy định trên đây, có nhiều ý kiến bàn luận là liệu Facebook hay Google có rút khỏi Việt Nam hay không?", ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, cho biết.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Việt Dũng nêu vấn đề, Facebook là dịch vụ toàn cầu, kinh doanh tại 200 nước thì cũng phải đặt máy chủ ở cả 200 quốc gia hay sao? Nếu đặt máy chủ ở tất cả các quốc gia thì chi phí là rất lớn, không tập đoàn, công ty nào chịu nổi chi phí. 

"Chúng ta không nên cứng nhắc, vấn đề là ông đặt máy chủ ở Mỹ cũng được nhưng tôi phải có quyền quản lý, phải nắm được bao nhiêu người đang sử dụng dịch vụ đó ở Việt Nam, mà điều đó thì không cần phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới làm được", đại biểu Dũng nói

Bộ trưởng Công an: 'Chặn Internet thì ta không chơi được với ai' ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, cho hay nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến dự thảo Luật an ninh mạng.  

Ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cũng cho rằng quy định như nêu trên là rất bất hợp lý. "Nhiều chuyên gia nói không nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam, quan trọng là cam kết cung cấp thông tin cần thiết để quản lý, không vi phạm thuần phong mỹ tục.

Chứ họ đặt máy ở đây mà không hợp tác thì cũng chịu. Cần hết sức cân nhắc", ông Đạt nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Sĩ Cương, trong cam kết của Việt Nam với WTO hay các hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, dịch vụ viễn thông được quy định cung cấp qua biên giới và không hạn chế khi tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, nội dung cam kết liên quan cũng không đưa ra quy định nào bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải có đại diện tại Việt Nam.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại cũng đề cập đến việc Hiệp định TPP 11 vừa được khởi động lại.

“Hiệp định TPP trước đây, trong chương về thương mại điện tử có quy định là không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của mình, để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”, ông Cương nói và nhấn mạnh đây là nội dung và Việt Nam đã từng thoả thuận.

Đại biểu Vũ Trọng Kim chia sẻ "chưa bao giờ tôi tham gia góp ý vào dự luật nào thấy hoang mang như vậy". 

Theo ông Kim, cùng với sự phát triển của mạng Internet, mạng xã hội, tính dân chủ được phát huy rộng rãi hơn, nhưng cũng vì thế khó quản lý hơn. Với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay việc cấm cán bộ công chức sử dụng mạng xã hội chỉ kiến "xã hội bế tắc thêm".

Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục