Đây là nội dung được điều chỉnh bổ sung vào phiên họp kỳ 10, khóa XIV và theo lịch, chiều 12/11, Quốc hội sẽ có phiên thảo luận về vấn đề trên.
Trước đó, vào sáng 11/11, mở đầu phiên họp toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh nội dung chương trình kỳ họp.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và xem xét tình hình chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 2 nội dung sau vào chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Một là xem xét, quyết định việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Hai là xem xét, quyết định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội không ban hành Nghị quyết riêng về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Nghị quyết chung của kỳ họp sẽ thể hiện các nội dung này.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 10 bằng hệ thống điện tử. Có 88,8% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Theo đó, chương trình từ ngày 11/11/2020 đến bế mạc kỳ họp có sự điều chỉnh thời điểm xem xét của một số nội dung cho phù hợp với việc điều chỉnh nội dung nêu trên. Trong đó, để có thêm thời gian xem xét chỉnh lý hoàn thiện, thời gian biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được sắp xếp vào cuối kỳ họp.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp điều chỉnh, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào chiều ngày 17/11 ngay trước phiên bế mạc kỳ họp.
Nhiều hãng hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Trước đó, giải trình tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong dịp COVID vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đều bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì Bộ Giao thông - Vận tải cùng với các cơ quan, các bộ, ngành cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã gửi các báo cáo, Bộ cũng đã tổ chức họp để xem xét vấn đề hỗ trợ các hãng hàng không. Việc hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không có 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải. Trong thời gian vừa qua đã thực hiện 4 giải pháp để giúp cho các hãng hàng không.
Một là, tăng cường các chuyến bay giữa các sân bay lẻ. Nếu các cảng hàng không đăng ký thì tạo mọi điều kiện để phát triển hàng không trong nước.
Hai là, làm việc với các hãng, các đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty ACV để giảm một số giá dịch vụ cất hạ cánh cũng như hoạt động ở sân bay, để giảm chi phí cho các hãng hàng không.
Ba là, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp có phương án kinh doanh mới. Ví dụ như Bamboo đã mua tàu bay nhỏ, phản lực để kết nối từ Hà Nội đến Côn Đảo.
Bốn là, điều chỉnh lại lịch bay của các hãng để làm sao tất cả các hãng đều được đối xử một cách công bằng, có điều kiện để kinh doanh, để phát triển và đặc biệt hàng không trong nước, Bộ Giao thông - Vận tải đã tham mưu Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất có thể để phát triển hàng không nội địa.
"Đến thời điểm này hàng không trong nước của chúng ta đã cơ bản bằng với cuối năm 2019. Riêng hàng không nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vấn đề COVID-19 ở nước ngoài còn diễn biến phức tạp", Bộ trưởng nói thêm.
Nhóm thứ hai, liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Giao thông - Vận tải cùng với các bộ, ngành đã tham mưu đầy đủ các đề xuất của các hãng cho Chính phủ và Chính phủ cũng đã thảo luận, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và cũng đã ban hành các nghị quyết liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không.
"Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách và các chính sách. Do đó, chúng tôi kiến nghị là có thể hoãn, giảm hoặc chậm trả các lãi vay ngân hàng cũng như bổ sung vốn cho vay thêm để làm sao các hãng hàng không có điều kiện để tái cơ cấu. Tuy nhiên, việc này thuộc trách nhiệm chung của tập thể Chính phủ", Bộ trưởng cho biết.