Quốc hội bàn cách chống lạm phát

(ĐTCK-online) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chủ đề làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 sáng 26/3.
Quý I, lạm phát tăng hơn 6% trong khi nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá - Ảnh: Đức Thanh Quý I, lạm phát tăng hơn 6% trong khi nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá - Ảnh: Đức Thanh

Quý I, lạm phát tăng hơn 6% trong khi nhiều mặt hàng thiết yếu như điện (tăng 15,28%), xăng dầu (tăng 17,68%) mới chỉ tăng từ tháng 3/2011. Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số của Chính phủ thực sự chịu thách thức không nhỏ.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, tăng trưởng kinh tế thời gian qua giảm ý nghĩa khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Người dân phải cố gắng hết sức để thu vén cuộc sống, còn các doanh nghiệp thì lao đao khi mọi chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, vốn, lương… đều tăng, sản phẩm đầu ra chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Quốc hội đã chỉ ra những yếu kém nội tại của nền kinh tế, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm phát cao trong nhiều năm qua cũng như hiện tại và trước mắt. Mô hình tăng trưởng kinh tế những năm qua dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển theo chiều rộng, phân bổ nguồn lực lại chưa hợp lý, tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao, đầu tư dàn trải kéo dài dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, tác động xấu đến các cân đối lớn của nền kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, nhập siêu cao, mất cân đối ngoại tệ... Đây là những yếu tố mang tính cốt yếu, tác động xấu đến nền kinh tế không chỉ  trước mắt mà còn cả trong trung và dài hạn, phản ảnh thực lực của nền kinh tế chưa mạnh và thiếu tính bền vững, đòi hỏi có kế hoạch, lộ trình điều chỉnh trong những năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã được nêu tại diễn đàn Quốc hội. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện cơ quan này đang nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Tổng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt khoảng 460.000 tỷ đồng sẽ tập trung vào các mục tiêu ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, vay phục vụ sản xuất.

Bên cạnh việc giảm cung tiền, giảm tổng cầu cũng là biện pháp được Chính phủ đưa ra và Quốc hội thảo luận. Khác với năm 2008, việc cắt giảm đầu tư công lần này sẽ được thực hiện trên cả 4 kênh: ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính cho biết, không khởi công các công trình chưa thực sự cấp bách, ưu tiên cho các dự án an sinh xã hội, sớm phát huy hiệu quả. Các địa phương, bộ, ngành sẽ không được tạm ứng, không được chuyển nguồn từ ngân sách ngoại trừ những tình huống khẩn cấp như thiên tai, bão lũ. Mặt khác, đảm bảo mạng lưới cung ứng hàng hóa rộng khắp để đảm bảo giá cả không bị đẩy lên quá cao do các khâu trung gian.

Cho rằng tình hình hiện nay cấp bách như năm 2008, một số đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu việc không thu thuế thu nhập của người có thu nhập dưới 10 triệu đồng, thực hiện giãn thuế, khoanh nợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có uy tín nhưng thực sự gặp khó khăn.

Nếu những giải pháp trên được triển khai đồng bộ, kịp thời và quyết liệt, lạm phát sẽ được kiềm chế ở mức thấp,  điều mà NĐT và người dân đang rất kỳ vọng.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục