Chỉ số Sáng tạo Bloomberg được công bố thường niên và 2019 là năm thứ 7. Quá trình xếp hạng đánh giá năng lực sáng tạo, khả năng đổi mới và cổ vũ tiến bộ công nghệ của hơn 200 nền kinh tế.
Mỗi nền kinh tế được đánh giá trên thang điểm từ 0 - 100 tại 7 khía cạnh, bao gồm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), năng lực sản xuất, mức độ tập trung các công ty công nghệ cao, chất lượng của hệ thống giáo dục bậc cao, số lượng nghiên cứu và bằng sáng chế…
Các quốc gia không có báo cáo dữ liệu tại ít nhất 6 lĩnh vực sẽ bị loại khỏi bảng xếp hạng, bởi vậy, có 95 quốc gia có mặt trong chỉ số năm nay. Trong đó, Bloomberg công bố Top 60 nền kinh tế đứng đầu bảng xếp hạng
Số liệu thu thập để đánh giá được lấy từ nhiều nguồn, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), OECD…
Ngôi vương khó đổi
Hàn Quốc xếp thứ nhất tại Chỉ số Sáng tạo Bloomberg trong năm 2019, đồng nghĩa với việc đây là quốc gia sáng tạo, đổi mới bậc nhất trên toàn cầu.
Sau đó là các tên tuổi gồm Đức, Phần Lan, Thụy Sĩ, Israel, Singapore… Đáng chú ý, Hàn Quốc đã giữ ngôi vương sáng tạo 6 lần liên tiếp và sức mạnh này được nhận định khó có thể vượt qua.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hàn Quốc sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí số một trong tương lai gần và ngay cả khi tụt hạng thì cũng không quá xa bởi một số nguyên nhân.
Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) không mang lại kết quả ngay tức thì. Thực tế, hoạt động này thường xuyên gây thất vọng trong việc mang lại lợi nhuận ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc, chính phủ các nước cần chính sách dài hạn để thực hiện, hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển.
Do đó, các quốc gia xếp sau Hàn Quốc sẽ cần nhiều thời gian, công sức, nỗ lực trong thời gian dài để hoạt động R&D mang đến những kết quả hiện hữu. Việc đuổi kịp Hàn Quốc đối với R&D là một nhiệm vụ khó, chưa nói tới chuyện quốc gia này luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Thứ hai, sự phát triển của nền sản xuất, cũng như khoa học, công nghệ phụ thuộc lớn vào đội ngũ doanh nghiệp. Tại Hàn Quốc, các tập đoàn lớn, hay còn gọi là chaebol đã làm rất tốt trong việc xây dựng vững nền tảng và không ngừng đầu tư cho các tiến bộ công nghệ.
Huyndai, Samsung, Lotte, Hankook Tire… và nhiều thương hiệu lớn khác của Hàn Quốc đã chứng tỏ được sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, tại quê nhà, giới chức Hàn Quốc “nổi tiếng” bởi các chính sách ưu đãi, dành sự tự do hoạt động cho các tập đoàn lớn.
Đáng chú ý, công nghệ yêu cầu đội ngũ kỹ sư, thiết kế chất lượng cao và điều này đòi hỏi sự đầu tư cho giáo dục, R&D trong thời gian dài. Các tập đoàn tại Hàn Quốc tận dụng được sức mạnh này để ngày càng phát triển, trong khi doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế khác coi đây là trở ngại lớn nhất.
Thứ ba, phát triển công nghệ cao liên quan trực tiếp tới chất lượng của giáo dục bậc cao, đây cũng là một trong những yếu tố đưa Hàn Quốc lên ngôi vương tại Chỉ số Sáng tạo Bloomberg. Hệ thống trường đại học, các chương trình đào tạo tại Hàn Quốc luôn được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả giảng dạy.
Năm 2019, Hàn Quốc giữ vững được vị trí số 1 nhờ những yếu tố tích cực như chiến lược đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ, Chính phủ có chương trình cổ vũ khởi nghiệp, theo Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của ANZ Banking Group tại Singapore.
“Đổi mới ngày càng trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là ở các quốc gia có thu nhập cao tại châu Á, nơi lợi thế về nhân khẩu học không còn, trong khi các ngành sản xuất giá trị cao có xu hướng chuyển dịch sang các khu vực có chi phí thấp hơn”, Khoon Goh cho biết.
Cuộc bám đuổi không ngừng
Năm 2019 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Đức trong Chỉ số Sáng tạo Bloomberg ở vị trí thứ hai với điểm số sát nút Hàn Quốc.
Theo Juergen Michels, nhà kinh tế trưởng tại Bayerische Landesbank, Đức - nhà xuất khẩu lớn nhất châu Âu đang gặp vấn đề về thiếu hụt nguồn cung lao động có kỹ năng và những thay đổi trong chính sách nhập cư.
Do đó, quốc gia này buộc phải đẩy mạnh sự đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm các ngành công nghiệp như động cơ, viễn thông và trí thông minh nhân tạo.
Một trong những điểm mạnh của Đức là quốc gia này có nhiều ý tưởng sáng tạo và bằng sáng chế mới, đa phần tại lĩnh vực công nghiệp ô tô, tập trung vào mạng lưới vận chuyển điện tử, thiết bị không người lái và xe điện. Đức cũng xếp thứ hạng cao với số lượng bằng phát minh đạt tỷ lệ 295,32 bằng/1 triệu dân.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chính phủ nhiều quốc gia quyết định cắt giảm chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thì Đức lại gia tăng ngân sách cho R&D trong giai đoạn 2016 - 2018, tập trung đầu tư hơn để phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với lĩnh vực xe tự động. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đức chi 2,9% GDP cho R&D trong giai đoạn này.
Với chiến lược đầu tư cho R&D tại lĩnh vực công nghệ tự động, các nhà sản xuất xe tại Đức được đánh giá sẽ định hình lại lĩnh vực này trong trương lai.
Năm 2017, 2.633 bằng sáng chế đã được cấp riêng tại lĩnh vực xe không người lái, tăng 14% so với năm trước đó. Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, chi 11,6 tỷ euro cho R&D trong năm 2017, đứng thứ 5 về chi tiêu cho nghiên cứu - phát triển. Đứng thứ nhất là Amazon với chi phí R&D đạt 20,1 tỷ USD.
Một số chuyển động đáng chú ý khác trong Chỉ số Sáng tạo Bloomberg 2019 là việc Isarael nhảy vọt 5 bậc, vượt qua Singapore, Thụy Điển và Nhật Bản để giữ vị trí thứ 5.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng cải thiện được vị trí nhờ hoạt động liên quan tới bằng sáng chế có nhiều cải thiện. Cụ thể, các bằng sáng chế được cấp mới và hoạt động R&D của Huawei Technologies Co và BOE Technology Group đóng góp phần quan trọng vào điểm số chung của Trung Quốc trong Chỉ số Sáng tạo.
Một số gương mặt lần đầu tiên xuất hiện trong Chỉ số Sáng tạo là các nền kinh tế mới nổi đáng chú ý như Ấn Độ, Mexico, Việt Nam và Ả Rập Xê út.