Quốc gia nào sẽ thoát khỏi lạm phát cuối cùng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 1, giá cả trên khắp các nền kinh tế lớn đã tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức đỉnh 10,7% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đằng sau con số đó là sự khác biệt lớn. Một số quốc gia đã chiến thắng lạm phát, trong khi một số quốc gia đang chật vật với quá trình này.
Quốc gia nào sẽ thoát khỏi lạm phát cuối cùng?

The Economist đã cập nhật thước đo “sự cố thủ của lạm phát” của 10 quốc gia giàu có. Dữ liệu này bao gồm năm chỉ số: lạm phát cơ bản, chi phí lao động, “phân tán lạm phát”, kỳ vọng lạm phát và hành vi tìm kiếm trên Google. The Economist xếp hạng từng quốc gia theo từng chỉ số, sau đó kết hợp các thứ hạng để tạo thành điểm tổng thể.

Kết quả cho thấy các quốc gia EU và châu Á hoạt động tốt trong khi Anglosphere (thuật ngữ dùng để chỉ các quốc gia mà tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất) cho thấy tốc độ giảm của lạm phát chậm hơn. Nước Mỹ đang hoạt động tốt hơn, nhưng ngay cả ở đó lạm phát vẫn tồn tại.

Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới ở một số nền kinh tế lớn

Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới ở một số nền kinh tế lớn

Một vài yếu tố có thể giải thích sự khác biệt. Một là kích thích tài chính trong thời kỳ Covid-19 ở Anglosphere lớn hơn 40% so với những nơi khác. Nhu cầu tăng vẫn có thể thấy rõ trong dữ liệu lạm phát cơ bản. Trong đó, lạm phát cơ bản của Anh vẫn ở mức gần 5%.

Biện pháp “phân tán lạm phát” đo lường những nền kinh tế lớn có tỷ lệ giá tiêu dùng đang tăng hơn 2% hàng năm. Trong khi Úc đứng đầu bảng xếp hạng thì hầu hết giá cả ở Nhật Bản đều tăng dưới 2%.

Vấn đề nhập cư cũng có thể giúp giải thích sự khác biệt này. Các quốc gia giàu đã trải qua thời kỳ bùng nổ nhập cư, với phần lớn những người mới đến Anglosphere. Năm ngoái, Úc, Anh và Canada đã phá kỷ lục về số lượng người nhập cư ròng.

Sự gia tăng dân số lớn đã hỗ trợ nhu cầu. Trong năm qua, chi phí thuê một căn hộ ở Anglosphere đã tăng 8%, so với 5% ở những nơi khác. Những tác động lên thị trường lao động ít rõ ràng hơn. Chi phí lao động đơn vị của Mỹ - đo lường số tiền các công ty trả cho công nhân để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm - đã không tăng, nhưng tỷ lệ này đang phát triển mạnh mẽ ở Canada.

Mặt khác, yếu tố lịch sử cũng có thể đóng một vai trò trong việc giải thích tình trạng lạm phát cố hữu của Anglosphere. Trong những năm 2010, khu vực Nam Âu và phần lớn các nước châu Á giàu có chỉ thấy giá nhà tăng rất ít, trong khi lạm phát ở Anglosphere đã tỏ ra dai dẳng hơn. Do những trải nghiệm khác nhau này, niềm tin hiện tại của mọi người về lạm phát trong tương lai cũng có thể khác nhau.

Theo The Economist, dữ liệu từ Mỹ đang tỏ ra dấu hiệu đáng lo ngại. Người dân tin rằng giá cả ở Mỹ sẽ tăng 5,3% trong 12 tháng tới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong bảng xếp hạng của The Economist. Người Mỹ cũng thường tìm kiếm trên Google các chủ đề liên quan đến lạm phát, điều này cho thấy rằng chi phí sinh hoạt vẫn còn là mối lo lắng của họ. Trên khắp Anglosphere, mối đe dọa lạm phát cao - hoặc thậm chí là làn sóng tăng giá thứ hai - vẫn chưa biến mất.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục