Điểm nhấn đầu tư công
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng luôn là nội dung không thể thiếu trong báo cáo thường niên của Chính phủ. Ròng rã mấy năm gần đây, từ các phiên họp của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ra đến Quốc hội, nỗi lo giải ngân vốn đầu tư công chậm gây lãng phí ngân sách đã trở nên... quen.
Nhưng đến năm 2020 thì đã có điều lạ. Với hàng loạt luật về đầu tư, kinh doanh được sửa đổi, ban hành, Chính phủ đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công đã được sửa đổi, phù hợp hơn với thực tiễn. Trong điều hành, Thủ tướng Chính phủ giao một lần toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương trước ngày 30/11/2019, tạo sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch đầu tư công.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giải pháp được người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh là đã yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trực tiếp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công trong phạm vi quản lý, kịp thời phát hiện vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về cơ chế, chính sách để chủ động tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đồng thời, việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan được thực hiện nghiêm, kiên quyết không để tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Công tác điều hành năm 2020 cũng thể hiện sự kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao. Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của Kho bạc Nhà nước tiếp tục hoàn thiện theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch, đã góp phần kiểm soát chặt chẽ và rút ngắn thời gian làm thủ tục giải ngân vốn đầu tư.
“Nhờ vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn, thách thức do Covid-19, góp phần không nhỏ vào việc duy trì mức tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020”, Chính phủ đánh giá.
Từ kết quả đó, với năm 2021, một trong những chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ xác định là đảm bảo 100% dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định.
Giải pháp được thực hiện cũng được nêu rõ là bố trí vốn đầu tư công phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định; xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.
Đừng để vừa mất tiền, vừa mất người
Là người ký chương trình hành động tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 khi còn là Phó thủ tướng, nay ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ cho rằng, phải nhìn thẳng vào sự lúng túng trong mua sắm công để có biện pháp tháo gỡ trong năm 2021.
Liên quan mua sắm trong khu vực nhà nước nói chung, Chính phủ nhận định, việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa triển khai đầy đủ các nội dung theo quy định. Còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị, như vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xảy ra vào tháng 4/2020.
Cũng nhắc đến sự việc trên, khẳng định có vi phạm thì phải xử lý, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào sự thật là trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, năng lực xét nghiệm còn rất thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch thì có phần trách nhiệm của quản lý nhà nước. Bởi định mức đơn giá không có, hướng dẫn không có, thì đương nhiên, người thực thi sẽ sợ sai khi tiêu tiền ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực tế là, chỉ định thầu thì khó, định mức đơn giá ngoài thị trường không kham nổi, không mua được, bởi vậy, phải rà soát thật kỹ điểm nghẽn, vướng mắc trong quy định về mua sắm công, đừng để vừa mất tiền, vừa mất người. “Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa, là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân…”, Chủ tịch Quốc hội cảnh báo sự “lãng phí” lớn hơn cả tiền bạc.
Cũng nhận xét về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng tài sản công trong khu vực nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga cho rằng, hạn chế lớn nhất là việc công khai, minh bạch ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn chưa tốt.
Bà Nga cho biết, việc không công khai, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đấu thầu. Ủy ban Tư pháp đã có đánh giá này khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và đã trình Quốc hội về đánh giá này.
Theo bà Nga, nguyên nhân của những bất cập trong mua sắm, sử dụng tài sản công là do trong quản lý, điều hành chưa kiểm soát hết các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu, bán đấu giá, mua sắm tài sản công. Một số cán bộ chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Sự quan tâm và nhận thức trong xã hội về quyền tiếp cận thông tin còn hạn chế.
“Muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả trong lĩnh vực này, thì công khai, minh bạch là một trong những tiêu chí cần phải thực hiện”, bà Nga nhấn mạnh.
Nêu rõ thực hành tiết kiệm chống lãng phí là báo cáo “đến hẹn lại lên”, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, một thực tế rất quen là Chính phủ xây dựng chương trình hành động rất sớm (tháng 1/2020), nhưng nhiều cơ quan, địa phương đến tận tháng 4, tháng 5, tháng 6 mới ban hành chương trình hành động của mình. Cá biệt, có nơi như Hà Tĩnh đến tận ngày 17/9 mới có chương trình hành động. Như vậy là quá hình thức, bà Nga nói về điều “lạ” khi sự chậm trễ này năm nào cũng được cơ quan thẩm tra nhắc lại và Thủ tướng đã nhắc nhở từ năm 2018.