Chủ tịch Quốc hội nêu hàng loạt vấn đề nóng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
Bây giờ dịch giã thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai, đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh Quochoi.vn). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh Quochoi.vn).

Cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đều chưa đi sâu vào thực chất, đặc biệt là chưa có địa chỉ, thiếu tính phản biện, còn nể nang, né tránh, sợ đụng chạm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, chiều 27/5.

Còn nể nang, né tránh

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, người thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo khằng định, năm 2020, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Kết quả này góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chủ yếu nhắc lại những tồn tại, hạn chế đã được nêu tại báo cáo của Chính phủ.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là chủ trương rất lớn, cần hết sức coi trọng, trong điều kiện nước ta chưa dư dả gì, thực sự còn nghèo.

Đôi khi thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì vấn đề tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn, ông Huệ nhấn mạnh.

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí là báo cáo thường niên tại Quốc hội, song theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo vẫn mang tính hình thức, nể nang, ngại va chạm.

"Thủ tướng nói cái gì tốt phải khen, địa phương, bộ, ngành nào tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng ra, anh nào vi phạm, yếu kém thì phải phê bình, kỷ luật. Phải rõ ràng, minh bạch như vậy", ông Huệ phát biểu.

Ông lấy ví dụ: "Xét nghiệm mẫu gộp trong phòng chống Covid-19 thì có phải sáng kiến không? Tiết kiệm thời gian, công sức, nguồn lực. Cái này là sáng kiến đầu tiên của Hà Nội, Thủ tướng khen Đà Nẵng, thôi cũng được".

Điều ông nhấn mạnh là báo cáo cả 1 năm này mà ông cũng chưa thấy chỗ nào là điển hình tiên tiến, chỗ nào là tập thể, cá nhân có thể được Quốc hội hoặc Chính phủ vinh danh.

Dịch phức tạp nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm

Cho biết khi còn làm Phó thủ tướng đã trực tiếp ký chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ năm 2020, Chủ tịch Quốc hội kể ra hàng loạt vấn đề mà theo ông báo cáo còn thiếu.

"Xử lý các doanh nghiệp yếu kém trong ngành công thương bây giờ đến đâu, bao giờ xong? Xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ, nhất là các ngân hàng mua lại bắt buộc thì thế nào? Tình hình lỗ có tăng lên không? Tôi thấy trong báo cáo không có chữ nào, cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra đều không đề cập đến vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Lưu ý sử dụng vốn nhà nước không chỉ có vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn, ông Huệ cho rằng, cần đề cập toàn diện xem trong lĩnh vực công còn vướng mắc ở những nút thắt nào.

Theo Chủ tịch, cần chú ý tháo gỡ những ách tắc liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn trong quy hoạch, đầu tư, hoạt động xây dựng, kinh doanh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đặc biệt là mua sắm công.

Lấy ví dụ về mua sắm công, Chủ tịch Quốc hội phân tích, nghị định quy định về lĩnh vực này ban đầu quy định chỉ có đấu thầu thôi, dẫn đến ách tắc vô cùng, tất cả các tỉnh, thành, bộ ngành đều ách tắc hết.

Khi có dịch Covid - 19 thì rất lúng túng trong việc mua sắm công, đã có sai phạm phải khởi tố CDC Hà Nội và một số nơi khác.

Theo Chủ tịch, đương nhiên vi phạm phải xử lý, nhưng nhà nước có trách nhiệm gì ở đây không khi mà không có hướng dẫn, không nói trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu.

Tình trạng này, ông Huệ nhấn mạnh là năm nay cũng vẫn vậy, tất cả các nơi đều sợ việc mua sắm cả, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ.

"Người ta chỉ thích tiền Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ, đó không phải là tiền ngân sách, hoặc tài trợ bằng hiện vật người ta sử dụng được… Vừa rồi Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng rà soát lại cái này đủ chưa? Đừng để chúng ta vừa mất tiền, vừa mất người ở đây. Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa cả, GS,TS, thầy thuốc nhân dân… ĐỊnh mức đơn giá không có, hướng dẫn người ta không có thì người ta làm sao được? ", ông Huệ đặt vấn đề.

Bây giờ dịch giã thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai. Đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng. Sai phạm cá nhân, tập thể rõ rồi, nhưng vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước phải xem lại. Tinh thần là phải tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Từ phân tích trên, ông đề nghị báo cáo của Chính phủ phải rà soát lại, gia công kỹ lưỡng, bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bám sát Quyết định 166 của Chính phủ. "Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra chưa tới nơi, vẫn lớt phớt bên ngoài, chưa đi vào thực chất", Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục