Cách đây không lâu, thông tin lãnh đạo một doanh nghiệp bị bắt được tung lên mạng xã hội. Tuy chưa được kiểm chứng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, thông tin này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sụt giảm và nhiều hoạt động khác liên quan đến ký kết hợp đồng bị đình trệ, chưa kể những hệ lụy lâu dài sau đó.
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp điêu đứng trong vòng xoáy của tin đồn, tin sai sự thật, thậm chí có công ty không còn khả năng phục hồi sau những thông tin thất thiệt.
Không chỉ tin đồn, tin sai sự thật gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà cách đưa tin đưa phiến diện, chủ quan của một số tờ báo cũng khiến các doanh nghiệp “thu mình”, e ngại.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đang phát triển dự án tại tỉnh Đồng Nai cho biết, khi đọc một số tiêu đề bài báo mang tính “giật tít, câu view”, ông hết sức tâm tư, bởi những bài viết đó có thể không sai, nhưng chưa đúng về mặt bản chất, chưa đúng với những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.
Lấy ví dụ cụ thể về trường hợp mà Công ty đã trải qua, vị CEO cho biết, khi doanh nghiệp đang triển khai bán hàng tại Đồng Nai, sản phẩm là những lô đất nền nhà phố tự xây, sổ đỏ từng lô, một số trang tin đưa thông tin theo hướng tiêu cực và có ý “bới bèo ra bọ” khi Công ty sử dụng từ “dự án” với những sản phẩm ở đây.
“Nếu là dự án bất động sản thì phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý và phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Nhưng đây là những sản phẩm đất nền riêng lẻ, đã có sẵn sổ và Công ty chỉ là bên đứng ra bán hàng đã có sẵn thôi”, ông giải thích và cho biết thêm, hệ quả của những bài viết trên là doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng hơn.
Khủng hoảng truyền thông, dù xuất phát từ tin đồn, “tin vịt”, hay thông tin chính xác thì đều như “trái bom” công phá doanh nghiệp. Khi đó, việc minh bạch thông tin trên các kênh báo chí chính thống - với đặc tính khách quan, tin cậy - là cách xử lý khủng hoảng truyền thông hữu hiệu của doanh nghiệp.
Trao đổi với người viết, giám đốc đối ngoại của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho hay, ngoài kênh báo chí, doanh nghiệp chủ động xây dựng các kênh truyền thông của mình như website, fanpage doanh nghiệp; thuê công ty truyền thông, KOL để thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp..., nhưng dẫu sao, báo chí chính thống vẫn là kênh thông tin đáng tin cậy nhất.
Trong khi đó, với báo chí, doanh nghiệp không chỉ là một đối tượng thông tin, nguồn tin cũng như đối tác quan trọng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần sự chủ động của các bên để thông tin thông suốt và những thông tin chính thống có thể đến với độc giả nhanh nhất, theo con đường thẳng nhất. Chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững và mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp mới đúng là “win - win”.
Những người làm báo cần phải thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, bởi chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, doanh nhân…