Vượt khó, về đích với tín hiệu vui
Nguồn thu này theo UBND tỉnh Quảng Trị chủ yếu từ quỹ đất giai đoạn 2021-2022 được xác định từ các dự án: Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1; Khu đô thị phía Đông đường Thành Cổ; giai đoạn 2023-2025 hiện đang triển khai các dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2; Khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà; Khu đô thị Vĩnh Tân.
Ngày 13/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, với mục tiêu thu hút đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tỉnh Quảng Trị đang triển khai hàng loạt giải pháp về cải cách hành chính, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư.
Giữa những khó khăn bộn bề, Quảng Trị vẫn “về đích” năm 2022 với những con số ấn tượng, đáng khích lệ… trong phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2021-2025).
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19, thời tiết cực đoan, dị thường; tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư toàn cầu, giá các loại hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu trên thị trường tăng đột biến… Tuy thế, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ và của tỉnh, Quảng Trị vẫn đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Theo số liệu dự báo sơ bộ, có 16 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đặt ra trước đó, Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, nhiều con số rất đáng mừng như: tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt trên 6,5%; tổng thu ngân sách đạt 4.520 tỷ đồng, vượt 9% dự toán địa phương và 32% dự toán T.Ư; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 27.115 tỷ đồng, (vượt 12,98% kế hoạch);
Tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều điểm sáng; hoạt động thương mại dịch vụ phục hồi mạnh mẽ (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 26.713 tỷ đồng).
Ngoài ra, việc quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tập trung chỉ đạo quyết liệt với sự tham gia của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, đã thực hiện cơ bản hoàn thành. “Những con số trên là những tín hiệu vui mừng về sự phục hồi, phản ánh nỗ lực của toàn tỉnh Quảng Trị trong một năm đầy thách thức”, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Về lĩnh vực văn hoá, năm 2022, Quảng Trị cũng có nhiều dấu ấn. Đáng kể nhất là các hoạt động Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức trang trọng, có sự đầu tư, sáng tạo, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao…
Cũng trong năm, một số công trình dự án quan trọng được khởi công. Song song với đó là nhiệm vụ phát triển giáo dục, y tế, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sĩ, đời sống nhân dân được quan tâm…
Tạo quỹ đất sạch tại khu vực trung tâm
Theo ông Hưng, song song với quá trình xúc tiến đầu tư trong thời gian qua, có được thành quả như ngày hôm nay đồng nghĩa với nhu cầu quỹ đất sạch cần cho các dự án ngày càng lớn.
Trước đó, ngày 30/8/2021, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 111/2021/NQ-HĐND tỉnh về cơ chế tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, nguồn tài chính dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển quỹ đất và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch được trích từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất ở; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất; vốn từ Quỹ phát triển đất; ngân sách nhà nước; vốn viện trợ, tài trợ và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Nhờ xây dựng được cơ chế tài chính để huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nên trong những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã tạo được quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở địa bàn TP Đông Hà.
Thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị, để có quỹ đất sạch đơn vị này đã tổ chức đấu giá để các doanh nghiệp khi có nhu cầu đăng ký tham gia, từ đó đem lại nguồn thu khá lớn.
Riêng trong năm 2021 thu từ sử dụng đất đạt 1.300 tỷ đồng, chiếm 24% tổng nguồn thu toàn tỉnh. Trong năm 2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã hoàn thành đưa vào đấu giá, cho thuê một số khu đất ở trên địa bàn thành phố Đông Hà như khu đất thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại-dịch vụ Nam Đông Hà có tổng diện tích 14,1 ha đã tổ chức đấu giá thu về 440 tỷ đồng; khu đất thu hồi của Công ty CP An Phú và Công ty TNHH Hà Giang với diện tích 0,54 ha đất thương mại- dịch vụ thu về 6 tỷ đồng; khu đất ở tại dự án Công viên thành phố Đông Hà có tổng diện tích 1,14 ha, thu 155,16 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, trung tâm đã và đang chuẩn bị để có thêm quỹ đất dành cho doanh nghiệp đầu tư như khu phía Tây trạm điện cao thế 0,2ha; khu đất thu hồi của Công ty CP An Phú 0,5ha; khu đất thu hồi của Công ty Tiến Khoa 0,5ha...
Ngoài ra, còn có các quỹ đất công trong mặt bằng các dự án Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3, khu tái định cư dành cho các hộ di dời khi thực hiện dự án trên địa bàn Đông Hà, Khu đô thị phía Nam đường 9D, Khu đô thị Bắc sông Hiếu 1, Khu đô thị Bắc sông Hiếu 2...