Quảng Trị từng bước định hình thành Trung tâm năng lượng miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
Sự ủng hộ của Trung ương, liên kết địa phương, đồng hành của nhà đầu tư sẽ đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung.

Nhiều dư địa để phát triển

Ngày 7/9, tại TP. Đông Hà, Sở Công thương tỉnh Quảng Trị phối hợp với Báo Công thương tổ chức Hội thảo Quảng Trị Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung; đây là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư bàn thảo những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, góp phần phát triển năng lượng tại Quảng Trị một cách bền vững, hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng về năng lượng với dự báo công suất hơn 14.000 MW; trong đó tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.

“Mục tiêu đến năm 2030, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, trên cơ sở phát triển năng lượng một cách bền vững; tận dụng và sử dụng hiệu quả các tiềm năng năng lượng tái tạo đồng thời phù hợp định hướng quy hoạch điện VIII”, ông Ngọc thông tin.

Còn theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh Quảng Trị hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW (đã đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW); 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW (cũng đã đưa vào vận hành thương mại). Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5 MW.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo.

“Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước”, ông Đồng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000 MW (giai đoạn đến năm 2025) và khoảng 9.500 MW (giai đoạn đến năm 2030).

Đồng hành để thành hiện thực

Tuy nhiên, để hiện thực hoá mục tiêu trên, ông Đồng cho rằng tỉnh Quảng Trị còn rất nhiều việc cần phải làm, ngoài sự nỗ lực của địa phương cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành; cần có sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư và sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế - năng lượng.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, Quảng Trị đã chọn lựa chọn xu thế thời đại, phù hợp xu hướng quốc gia và quốc tế về phát triển năng lượng.

“Quảng Trị cần coi những cam kết của COP 26 là cơ hội phát triển năng lượng của mình và có chiến lược phát triển dài hạn, chứ không phải một vài dự án để phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển năng lượng gió là giải pháp hàng đầu, sau đó đến thời đại năng lượng hydro xanh, điện khí. Theo nghiên cứu, Quảng Trị về mặt nguyên tắc đang có những lợi thế, tiềm năng rất lớn phát triển năng lượng gió, mặt trời, năng lượng khí”, PGS.TS Trần Đình Thiên góp ý.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá Quảng Trị đã chọn lựa chọn phát triển năng lượng phù hợp xu hướng quốc gia và quốc tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá Quảng Trị đã chọn lựa chọn phát triển năng lượng phù hợp xu hướng quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng những điều kiện khả thi để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030 gồm công nghệ, nhu cầu thời đại, tầm nhìn và khát vọng Quảng Trị, định hướng quốc gia, sự hiện diện sẵn sàng của các doanh nghiệp, hành động cải cách của chính quyền.

Đối với TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận thực tế, rằng thời gian qua điện gió, điện mặt trời phát triển quá nhanh đã làm lúng túng chính sách dẫn đến việc thu hút đầu tư bị lĩnh vực này bị chửng lại. Hiện nay, miền Trung và Tây nguyên đang phát triển rất mạnh về năng lượng điện gió, điện mặt trời nên có thời điểm việc giải toả công suất gặp khó khăn.

“Hiện nhiều địa phương có nhiều cạnh tranh về phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, các tỉnh miền Trung có tiếng nói chung, không đi riêng lẻ, mà phải đi tập trung, thống nhất để thu hút đầu tư. Đây là giải pháp pháp trước mắt và ưu tiên cho khu vực miền Trung, cần giải quyết nhanh chính sách về giá, thu hút đầu tư; tạo lợi nhuận, để doanh nghiệp tái đầu tư, tìm ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư năng lượng tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất ý kiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Chinh, Phó chủ tịch Hội năng lượng sạch Việt Nam chỉ ra rằng, bất kỳ một dự án đầu tư nào muốn thực hiện thành công và hiệu quả thì có 3 yếu tố quyết định là vốn, cơ chế chính sách và sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu.

“Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và trợ giúp để các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió tại tỉnh Quảng trị phát triển hơn nữa. Hiệp hội có thể tư vấn, trợ giúp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió và là cầu nối giữa các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió với cơ quan nhà nước”, ông Chinh cam kết.

Kết luận hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, Trung tâm năng lượng miền Trung không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế - xã hội thuần túy đó còn là một phần hoài bão, ước mơ cháy bỏng của đất và người Quảng Trị trên con đường xây dựng thành trì thịnh vượng.

“Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là hoàn toàn có cơ sở từ khoa học, thực tiễn, tiềm năng và quyết tâm chính trị và là hướng đi đúng, trúng, tạo ra bước đột phá quan trọng trong thời gian đến”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định.

N.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục