Sốt từ đất biển đến đất phố
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tại, đất nền ven biển dọc tuyến đường từ Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) đến Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) được giới đầu tư săn tìm nhiều nhất, vì là tuyến đường chạy sát khu vực được quy hoạch xây dựng sân bay Quảng Trị, cũng là nơi Tập đoàn T&T đang triển khai dự án Khu dịch vụ du lịch Gio Hải (quy mô 21.296 ha, tổng vốn đầu tư 4.470 tỷ đồng).
Anh Trần Tuyền, trú tại Thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết: “Hiện tượng giá đất tăng nóng diễn ra vài tháng nay. Người hỏi mua đất đến từ nhiều nơi, giá bán dao động từ 200-250 triệu đồng/m ngang mặt đường, nếu sâu bên trong thì giá thấp hơn, từ 100-150 triệu đồng/m ngang, nhưng cũng tăng vài chục phần trăm so với trước. Nhà tôi ở mặt tiền đường ven biển nên nhiều người tới hỏi mua, nhưng gia đình không bán”.
Tương tự, giá đất khu vực ven biển huyện Vĩnh Linh cũng tăng vọt sau khi có thông tin tuyến đường ven biển sắp được đi qua, hoạt động mua bán đất diễn ra sôi động.
“Vừa rồi, có rất nhiều người về đây hỏi mua đất khi nghe tin sắp mở đường. Hiện giá đất nơi đây với một mét ngang mặt đường có giá cả vài trăm triệu rồi chú ạ”, chị Lê Thị Hải Yến, một hộ dân tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, khoảng 2 năm trước, giá đất ven biển tại địa phương còn khá rẻ, chỉ 200-300 triệu đồng một nền đất, trước khi tăng vọt trong gần 1 năm trở lại đây với thông tin quy hoạch sân bay, mở đường...
“Ngay khi hết giãn cách, hàng đoàn người đã về đây tìm mua đất, trong đó chủ yếu là đất sát biển. Giá đất tăng cao, phổ biến từ 70-80 triệu đồng/m ngang mặt đường, thậm chí lên tới 100-200 triệu đồng/m ngang với những miếng đất ở vị trí đẹp, nên nhiều hộ dân đã cắt bớt đất để bán”, ông Trường nói và cho biết thêm, trước đây, trên địa bàn xã, nhiều hộ dân được cấp 500-700 m2 đất để ở và giao dịch chủ yếu diễn ra ở khu vực thôn Tân Hòa, người mua đa phần là người trong tỉnh.
Không chỉ khu vực ven biển, giá đất TP. Đông Hà cũng “sốt xình xịch” những ngày gần đây, sau khi Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail (thuộc Tập đoàn Vingroup) trúng đấu giá khu đất quy hoạch dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Nam Đông Hà.
Trước đó, vào trung tuần tháng 11, Công ty Đấu giá hợp danh miền Trung đã tổ chức công bố đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Nam Đông Hà (phường Đông Lương, TP. Đông Hà) và Vincom Retail là đơn vị trúng đấu giá khu đất diện tích 132.415,6 m2 thuộc dự án với mức giá gần 440 tỷ đồng theo hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp một vòng.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá đất tại các tuyến đường xung quanh khu đất đấu giá như Đại Cồ Việt, Duy Tân, Trương Công Kính… đã tăng chóng mặt. Anh Trần Tuân, một nhà đầu tư cho biết, sau Tết Nguyên đán 2021, anh và vài người bạn đã gom tiền mua một lô đất hơn 300 m2 mặt tiền đường Trương Công Kính với giá hơn 4 tỷ đồng (tương đương khoảng 250 triệu đồng/m ngang mặt đường). Cách đây gần 2 tháng, do cần tiền đầu tư khu vực khác cũng như thấy giá đất đã tăng cao, nhóm anh quyết định làm thủ tục tách lô đất thành 2 thửa và bán lại với giá hơn 8 tỷ đồng cho một nhà đầu tư khác. Tuy vậy, mới đây, lô đất này được chủ mới rao bán lại với giá lên tới gần 16 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng/m ngang mặt đường).
“Nếu như kiên nhẫn hơn thì chúng tôi còn lãi lớn hơn nữa”, anh Tuân nói đầy tiếc nuối.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Hữu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị xác nhận thông tin kết quả đấu giá khu đất quy hoạch dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Nam Đông Hà, đồng thời cho biết, hiện đơn vị trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa tiến hành ký quỹ dự án và tỉnh cũng chưa có quyết định giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Đất nền ven biển huyện Gio Linh có giá vài trăm triệu mỗi mét ngang mặt đường. Ảnh: Ngọc Tân |
Cần thuốc hạ sốt
Trước việc thị trường bất động sản Quảng Trị có dấu hiệu “sốt ảo” do yếu tố đầu cơ, nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền tỉnh Quảng Trị cần có giải pháp để xử lý tình trạng này, đặc biệt là với các nhóm đầu cơ sử dụng các phiên đấu giá đất để “gom hàng” - thông qua phương thức đẩy giá lên mức rất cao so với giá khởi điểm để trúng đấu giá, sau đó tìm cách “lướt sóng” kiếm lời, nếu không “lướt lát” được thì “bỏ cọc”, ảnh hưởng tới kế hoạch thu ngân sách, phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sự tham gia của giới đầu cơ, cò đất làm méo mó thị trường, khiến giá đất bị đẩy lên cao quá so với giá trị thực, từ đó khiến người có nhu cầu ở thực khó sở hữu nhà đất, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư…
“Sắp tới, tỉnh sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất, chẳng hạn nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc do không chuyển nhượng lại được đất sau đó, dẫn tới phải tổ chức đấu giá nhiều lần”, ông Đồng cho hay.
Trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện “sốt đất” ở Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc giới đầu cơ lợi dụng các dự án của doanh nghiệp lớn để đẩy giá nhà đất diễn ra khá phổ biến, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là do sự “lệch lạc” giữa 2 yếu tố cung và cầu, mà cụ thể là do thị trường thiếu đi nguồn hàng, dẫn đến người dân ít có sự lựa chọn giữa để ở và đầu tư.
“Bản chất thị trường là phải có đầu tư cơ sở hạ tầng thực sự thì giá trị đất mới tăng lên, chứ chưa đầu tư mà giá đã tăng mạnh thì đó là bất hợp lý. Thực ra, đây là khó khăn ở các địa phương, bởi để điều tiết giá đất thì còn cần sự vào cuộc của các bộ, ban ngành Trung ương trong việc tháo gỡ nút thắt trong phê duyệt dự án để tạo thêm nguồn hàng cho thị trường, bởi khi nguồn cung dồi dào thì giá ắt sẽ tự điều chỉnh”, ông Đính nói.