Thành cổ Quảng Trị đã “thay da đổi thịt”
Những con đường chính của thị xã Quảng Trị, trung tâm đô thị thứ 2 của Tỉnh những ngày tháng 7 rợp cờ, hoa, phướn và biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Từ sáng sớm đến chiều muộn, những dòng xe du lịch, đoàn khách vẫn nối đuôi nhau vào viếng Thành cổ Quảng Trị.
Có lẽ không ở đâu trên đất nước Việt Nam có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Quảng Trị. Ngoài 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 thì còn 70 nghĩa trang liệt sĩ khác. Từng tấc đất, tên làng, tên xóm đều gắn với những trận đánh lịch sử. Với chúng ta, ai cũng sẽ không quên những địa danh mãi ghi sâu như sông Thạch Hãn, Bến Hải, đôi bờ Hiền Lương, vĩ tuyến 17…
Hơn 2 tuần nay, thị xã Quảng Trị tổ chức hàng loạt sự kiện văn hoá, nghệ thuật, tri ân, thể thao, du lịch… nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Trong dòng cựu binh về thăm lại chiến trường xưa vào viếng đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị, cựu chiến binh Hà Văn Tháp (huyện Lý Nhân, Hà Nam) phấn khởi: “Mấy chục năm rồi tôi mới có dịp quay lại thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Trong đoàn ai cũng rất vui khi thị xã Quảng Trị nay đã phát triển. Hệ thống giao thông kết nối, dịch vụ thương mại sầm uất, dân cư đông đúc, các tiện ích đều đầy đủ. Vùng đất 50 năm trước toàn bom đạn, đổ nát nay đã đổi thay, phát triển”.
Tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ hy sinh, những hình ảnh chiến đấu quyết liệt, đổ nát của trận đánh anh dũng cách đây 50 năm. Những bức thư còn trưng bày ở bảo tàng của các chiến sĩ viết vội gửi về gia đình vẫn còn đó. Những tâm sự, chia sẻ của các chiến sĩ tại chiến trường ác liệt này như lời gửi gắm đến thế hệ trẻ phải trân trọng những giây phút hoà bình.
Thương binh Hà Văn Tháp bồi hồi: “Năm đó anh em còn trẻ lắm, đa phần chỉ mới 18 – 20 tuổi. Có người mới lập gia đình, có chiến sĩ chưa có người yêu nhưng đồng đội tôi ai cũng lạc quan, quyết đấu giải phóng đất nước”.
Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Thắng lợi này đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khẳng định, 50 năm đã trôi qua, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy luôn khắc ghi trong lòng mỗi người dân Quảng Trị như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tỉnh Quảng Trị luôn biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ để có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Thành cổ Quảng Trị là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân, dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Cùng với đó là quyết tâm vươn lên mạnh mẽ bằng sức sống mới, để viết nên câu chuyện về “Đất thép nở hoa”- quyết biến vùng đất Quảng Trị bom cày, đạn xới trở thành vùng đất phát triển.
Đất thép nở hoa, hồi sinh từng ngày
Sau 50 năm giải phóng, thị xã Quảng Trị nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung đã có nhiều đổi thay. Những đồi cát trắng gió Lào, những vùng chằng chịt hố bom đạn năm xưa nay đã là cánh đồng lúa gạo hàng hóa, vườn cây ăn quả, khu dân cư trù phú; những cánh đồng điện gió, nhà máy, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, vùng du lịch hoài niệm chiến trường xưa đang dần hình thành để hiện thực hóa quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế phát triển, đưa Quảng Trị thoát khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khá vào năm 2025.
Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, phát triển, đổi mới cũng là hành động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, tạo điều kiện để chăm sóc các phần mộ các anh, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách ngày một chu đáo hơn.
Hết rồi cái thời mà cứ nhắc đến Quảng Trị là chỉ liên tưởng đến bom đạn, khói lửa chiến tranh hay thiên tai mưa lũ. Giờ đây, Quảng Trị được biết đến là mảnh đất của sự “hồi sinh” và phát triển sau 50 năm ngày được độc lập với những thành tựu kinh tế, xã hội, nơi thu hút đầu tư nhiều dự án “tỷ đô”.
Sau 50 năm, Quảng Trị đi lên với vô vàn khó khăn, thử thách từ khắc phục hậu quả chiến tranh đến thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quảng Trị như được tôi luyện từ trong khó khăn, đau thương để “trở mình” thành vùng đất của sự thịnh vượng, giàu sức hút đầu tư.
Quảng Trị ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, cơ cấu kinh chuyển dịch phù hợp và đúng hướng. Trong đó, giai đoạn từ năm 2015 - 2020, GRDP tăng bình quân 7,16%/năm. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Quảng Trị vẫn đạt 6,5% (thứ 3 trong các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước). Thu ngân sách nhà nước có bước đột phá, đạt hơn 5.511 tỷ đồng/dự toán 3.450 tỷ đồng (mức đạt cao nhất từ trước đến nay).
Tiềm năng phát triển bắt nguồn từ những điểm khó khăn
Quảng Trị còn được biết đến với “đặc sản gió Lào”, thứ gió được xem là thiên tai vì loại gió này rất khô, nóng gây nên tình trạng hạn hán vào mùa hè ở Quảng Trị. Vào những tháng hè, ở Quảng Trị loại gió này thổi rít liên hồi, bất kể ngày đêm với sức gió không khác gì áp thấp nhiệt đới. Nhưng đặc sản này đang tạo nên những tiềm năng mới trong phát triển kinh tế của Quảng Trị.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 671 MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW. Ngoài ra, còn có 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW được đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên 965,6 MW. Theo tính toán, khi tất cả 31 dự án điện gió đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Những tiềm năng được tỉnh khai phá hiệu quả chưa từng thấy, thậm chí đã biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng, lợi thế mà dẫn chứng cụ thể nhất chính là hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời vận hành thương mại đem về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách”.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 1 năm nay, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T Group và hai đầu tư đến từ Hàn Quốc: HANWHA - KOSPO - KOGAS chính thức khởi công Hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, có công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD).
Quảng Trị đang xây dựng hàng loạt dự án giao thông kết nối, là động lực, đòn bẩy giúp cho vùng đất cằn cỗi này phát triển từng này như sân bay Quảng Trị, cảng nước sâu Mỹ Thuỷ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ…
Có thể thấy, trong nhiều năm gần đây, với sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, Quảng Trị đã đẩy mạnh quảng bá tiềm năng thế mạnh vốn, thu hút vào tạo điều kiện cho các nhà đầu đến với Quảng Trị để cùng hợp tác phát triển kinh tế. Và sau 50 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Trị đang "thay da đổi thịt" từng ngày…
Hồi sinh từ những hố bom
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp những năm đầu tỉnh Quảng Trị lập lại chiếm tỷ trọng 62,3%, đến nay chỉ còn 27,89%, nhưng tổng giá trị tăng gần 40 lần.
Sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 29,46 vạn tấn, tăng gấp 3 lần. Năm 1989, toàn tỉnh chỉ có khoảng 666 ha cây hồ tiêu, 738,7 ha cà phê, đến nay đã có 2.400 ha hồ tiêu (tăng 3,6 lần); 4500,3 ha cà phê (tăng hơn 6 lần).
Riêng cây cao su được chú trọng phát triển mạnh từ 4178,4 ha, đến nay có 19.100 ha (tăng hơn 4 lần).
Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm ( từ 2016 – 2020) đạt 11,42%, năm 2021 đạt trên 15,07%.