Theo nghị quyết này, Quảng Ninh sẽ thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) một cấp trực thuộc UBND tỉnh. Đây là một trong những địa phương đầu tiên, cùng với Hà Nội, TP. HCM và Bình Dương, thực hiện mô hình này.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh được thành lập lần đầu năm 2015, với nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa. Trung tâm là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC, tổ chức giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo quy định; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân; tham mưu các giải pháp cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính.
Ở cấp địa phương, Trung tâm HCC các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) do UBND tỉnh quyết định thành lập, chịu sự quản lý, chỉ đạo của UBND cấp huyện. Trung tâm HCC cấp huyện có chức năng làm đầu mối để các phòng, ban, đơn vị, tổ chức cử CCVC đến hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, TTHC của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, Trung tâm HCC từ tỉnh đến cơ sở đã đáp ứng việc cung ứng dịch vụ HCC từ hệ thống cơ sở hành chính nhà nước đến với tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tập trung về quy trình tiếp nhận và giải quyết theo nguyên tắc 5 bước tại chỗ “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả” và 5 bước trên môi trường điện tử “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả trên môi trường điện tử” đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã. Hiện, TTHC được thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.875 thủ tục, trong đó có 1.353 TTHC cấp tỉnh, 396 TTHC cấp huyện và 126 TTHC cấp xã.
Tình hình đăng ký kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV. Ảnh: Đỗ Phương Tổng cục Thống kê |
Qua mô hình Trung tâm HCC, người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục; thủ tục, giấy tờ đơn giản, quy trình rõ ràng; phí, lệ phí được niêm yết công khai, minh bạch; thời gian thực hiện được rút ngắn hơn so với quy định. Quảng Ninh nhiều năm được đánh giá là một điển hình tốt, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về cải cách TTHC theo các chỉ số đánh giá chính quyền địa phương của Trung ương.
Theo đề án mới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh sẽ được tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, các trung tâm cấp huyện và các bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã. Mô hình một cấp này được kỳ vọng sẽ giảm sự trùng lặp, tăng tính đồng bộ và nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính.
Trung tâm sẽ có trụ sở chính tại tỉnh và 13 chi nhánh đặt tại các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, 156 bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại các xã, phường, thị trấn vẫn được duy trì để đảm bảo phục vụ người dân ở cấp cơ sở.
Việc chuyển đổi mô hình này không chỉ thay đổi về mặt tổ chức mà còn cải thiện tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Mô hình mới tập trung tất cả các quy trình về một đầu mối duy nhất, giúp giảm thời gian xử lý và tránh sự phân tán trong quản lý. Đây là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Một trong những ưu điểm của mô hình thí điểm này là tận dụng cơ sở vật chất hiện có từ các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện và các bộ phận cấp xã trước đây. Nhờ đó, tỉnh không phải đầu tư thêm lớn vào hạ tầng, mà tập trung nguồn lực cho việc cải thiện quy trình và công nghệ.
Hệ thống sẽ được vận hành bởi 159 nhân sự, bao gồm công chức, nhân viên hợp đồng, và lao động hỗ trợ. Đây là đội ngũ đã có kinh nghiệm làm việc tại các đơn vị hành chính công trước đó, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và không làm gián đoạn các dịch vụ.
Với việc thí điểm Trung tâm Phục vụ HCC một cấp, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong cải cách hành chính. Mô hình này không chỉ tăng tính chuyên nghiệp mà còn hướng đến giải quyết thủ tục theo cơ chế phi địa giới hành chính, tức là người dân và doanh nghiệp có thể xử lý các thủ tục ở bất kỳ địa điểm nào trong hệ thống.
Đánh giá từ các tổ chức và doanh nghiệp cho thấy, mô hình này sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế trong bối cảnh số lượng thủ tục hành chính cần xử lý ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin và số hóa toàn diện cũng sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, giảm thiểu sai sót và tăng cường minh bạch.
Thí điểm thành công của mô hình Trung tâm Phục vụ HCC một cấp không chỉ góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mang lại những thay đổi tích cực trong trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công tại Quảng Ninh.