Quảng Ninh gỡ nút thắt thể chế để có môi trường đầu tư hấp dẫn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Hội nghị Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh năm 2014 diễn ra vào ngày mai (28/6) tại TP. Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc cho biết, Quảng Ninh quyết tâm cải cách, gỡ nút thắt thể chế để có một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn và để phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Ninh gỡ nút thắt thể chế để có môi trường đầu tư hấp dẫn

Thưa ông, 2 năm qua, kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tháng 2/2012, Quảng Ninh đã có những tiến bộ vượt bậc trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này tiếp tục được đặt ra như thế nào và Quảng Ninh kỳ vọng gì ở Hội nghị? 

Đúng là 2 năm qua, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để có một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn. Điều này đã mang lại những kết quả ban đầu rất có ý nghĩa. Đó là năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh năm 2013 tăng 16 bậc, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố; vốn đầu tư cũng tăng mạnh, với hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 113.873 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tương đương 5,42 tỷ USD) trong vòng hơn 2 năm qua… Hiện nay, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ninh rất sôi động, cơ bản là các nhà đầu tư lớn, có uy tín và có mong muốn đầu tư. Đặc biệt, trong khó khăn chung của kinh tế cả nước, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn đạt mức bình quân 7%, GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 3.000 USD…

Tuy nhiên, bản thân lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng nhận thấy rằng, những gì đã làm được là chưa đủ, môi trường đầu tư Quảng Ninh còn nhiều hạn chế. Vì thế, chúng tôi quyết tâm tiếp tục đổi mới, không chỉ trong cải thiện môi trường đầu tư, mà trong cả cách xúc tiến đầu tư, làm sao để Quảng Ninh thực sự trở thành một “điểm hẹn” của dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá của Quảng Ninh thời gian tới.

Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Ngày mai, tại Hội nghị, McKinsey, đơn vị tư vấn cho Quảng Ninh trong xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có những đánh giá về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh trong thời gian tới. Đây chính là cơ sở để Quảng Ninh có những bước đi bài bản trong công tác xúc tiến đầu tư. Với Quảng Ninh, quan trọng nhất hiện nay là phải đổi mới nhận thức, tạo chuyển biến về tư duy, hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, tất cả phải vào cuộc, chung tay chung sức, đồng tâm hiệp lực để thực hiện xúc tiến đầu tư.

Còn với việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời với mục tiêu cuối cùng là đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát huy tối đa những lợi thế riêng có của tỉnh..., chúng tôi sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đồng bộ, trước hết là các công trình có tính chất động lực, như đường nối TP. Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; mở rộng Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí; kêu gọi, xúc tiến đầu tư sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT, PPP; cảng biển Hải Hà...

Một phần việc vô cùng quan trọng khác, đó là Quảng Ninh tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo sự “công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm” trong hoạt động các trung tâm hành chính công... Bên cạnh đó, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục nâng cao tính năng động, điều hành của chính quyền…

Còn một yếu tố nữa là thể chế. Vừa rồi, khi thảo luận về việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn, nhiều quan điểm cho rằng, chỉ khi có thể chế, chính sách đột phá, Quảng Ninh mới có thể xây dựng thành công mô hình này. Quảng Ninh đã và đang chuẩn bị cho điều đó ra sao?

Giải quyết “nút thắt” về thể chế có ý nghĩa quan trọng đối với sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho tăng trưởng và phát triển. Hiểu điều đó, nên một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quảng Ninh thực hiện trong thời gian tới là tập trung nghiên cứu, đề xuất và xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng tổng hợp đặc biệt, lợi thế so sánh nổi trội, cơ hội phát triển để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển kinh tế xanh, tạo ra bước phát triển mới đột phá của tỉnh Quảng Ninh. Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái sẽ là hai mô hình sẽ chúng tôi đặc biệt quan tâm để phát triển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh trực thuộc UBND tỉnh. Vì thế, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ từng bước áp dụng các mô hình quản lý “Lãnh đạo công - Quản trị tư”; “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công” cho việc xây dựng, vận hành các thiết chế kinh tế, văn hóa, giáo dục, phục vụ công cộng và mở rộng không gian huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển.

Đây chính là những yếu tố rất cơ bản để Quảng Ninh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục