Quảng Ninh bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Không chỉ sở hữu ưu thế về cảnh quan thiên nhiên được ví là nơi như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh còn là địa phương hội tụ nét văn hóa đặc sắc.
Lễ hội Sóong Cọ hàng năm (từ 15 đến 19/4) những cô gái dân tộc Sán Chỉ (xã Húc Động) hào hứng mặc váy áo truyền thống để ra sân đá bóng tranh cúp.

Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số với hơn 162.000 người. Trong đó, có 5 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản, gồm: Dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ), Hoa.

Các dân tộc ở Quảng Ninh thuộc 5 nhóm ngôn ngữ như: nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, có các tộc người Kinh, Mường, Thổ; nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me có các tộc người Khơ me; nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có các tộc người Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy; nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao có tộc người Hmông, Dao (Dao Thanh Phán và Dao thanh Y) và nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng có các tộc người Hoa, Ngái, Sán Dìu.

Quảng Ninh còn là một vùng đất giàu có về di sản văn hóa phi vật thể với hơn 2.800 hồ sơ. Có 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt di sản khác nhau, bao gồm: ngữ văn dân gian (gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống...

Du khách trải nghiệm bên đỉnh Mã Thàu Sơn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) trong trang phục truyền thống của đồng bào Sán Chỉ. Du lịch cộng đồng, du lịch bản địa đang được nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thực hiện. Ảnh: Thu Hằng

Với mục đích khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (triển khai năm 2024-2025).

Theo đó, năm 2024, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số như: Lễ hội đình Lục Nà huyện Bình Liêu, lễ hội truyền thống đền Cửa Ông, lễ hội đình Cẩm Hải, lễ hội đình Cộng Hòa, lễ hội Bàn Vương, gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Nghi thức nhảy lửa trong lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ. Ảnh: Cấn Đình Loan

Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Cụ thể, nghiên cứu, bảo tồn, tổ chức chương trình diễn Then nghi lễ của người Tày tỉnh Quảng Ninh. Tổ chức lễ hội Cầu May Bản Dao xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân, huyện Vân Đồn,…

Trong năm 2024 – 2025, tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng nhà trưng bày không gian văn hóa đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí). Lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch đối với những điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với với điểm du lịch đã được công nhận và những điểm du lịch chưa được công nhận nhưng có tiềm năng phát triển kinh tế.

Một số các môn thể thao điển hình của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đưa vào hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong khuôn khổ các ngày hội, liên hoan, giao lưu văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số.

Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, ngày 9/3/2018, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đã trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển Quảng Ninh và điều này được thể hiện rõ ở 6 hệ giá trị đặc trưng của tỉnh đó là: Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc.

Quỳnh Nga
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục