Đánh thức tiềm năng biển
Dự án mở màn cho những ý tưởng táo bạo phát triển TP. Quảng Ngãi về phía biển chính là công trình cầu Cửa Đại, do Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Hợp Nghĩa, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam thi công.
Đại diện liên danh nhà thầu cho biết, đến nay dự án đã đi được hơn 2/3 chặng đường và đang băng băng về đích, có khả năng vượt tiến độ, cho thấy năng lực của nhà thầu và những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của chủ đầu tư.
Không khó để hình dung tác động lan tỏa của dự án khi xét về tổng thể. Đây là công trình kết nối, góp phần hoàn thiện tuyến ven biển Việt Nam. Với tỉnh Quảng Ngãi, cầu Cửa Đại không chỉ đơn thuần là công trình mang chức năng giao thông, mà còn là điểm nhấn quan trọng trong công tác lập quy hoạch hai bên Nam - Bắc sông Trà Khúc. Khi dự án này kết nối hoàn chỉnh tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các lĩnh vực như du lịch, bất động sản và đô thị biển liên kết.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi, ông Hà Hoàng Việt Phương, tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh phía Bắc từ Khu kinh tế Dung Quất (giáp với Chu Lai, Quảng Nam) đến Mỹ Khê đã được đầu tư hoàn thiện, phát huy tác dụng và thu hút được các nhà đầu tư lớn đến với Quảng Ngãi. Đoạn tuyến phía Nam từ Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) đến Sa Huỳnh (Đức Phổ) đang là tuyến liên tỉnh cấp phối. Để khai thông tuyến huyết mạch này, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2, với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.
Tiến độ được HĐND quy định đến năm 2022 sẽ hoàn thành. Có thể hình dung ra chuỗi đô thị ven biển của Quảng Ngãi chạy dọc về phía Nam theo tuyến ven biển là Mộ Đức, Đức Phổ, Sa Huỳnh, “chuỗi ngọc trai” này sẽ nâng tầm một Quảng Ngãi đang hướng đến tập trung cho lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng. Không những vậy, tuyến ven biển này sẽ chia sẻ phương tiện với Quốc lộ 1, là tuyến cứu hộ cứu nạn khi huyết mạch Quốc lộ 1A bị chia cắt, đồng thời, mở ra mặt tiền biển khoáng đạt, đầy hấp dẫn và tiềm năng.
Thắp sáng đảo ngọc
Dòng sông Trà Khúc từ ngày được xây dựng đập Thạch Nham chắn ngang làm nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thì đoạn chảy qua TP. Quảng Ngãi bị gán cho biệt danh là dòng sông “chết” vào mùa hè và “hà bá” vào mùa mưa lũ. Nay thì dòng sông này đang có cơ hội hồi sinh và những tai ương từ thiên tai gây ra cho con người sẽ bị khắc chế bởi dự án công trình mang dấu ấn dân sinh, kết nối, tạo động lực lan tỏa để dần định hình nên một đô thị với hạ tầng khang trang, thông thoáng.
Nếu ai có dịp ngang qua cầu Trà Khúc 2, nối hai bờ sông Trà Khúc trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận Quảng Ngãi, hướng nhìn về phía Đông sẽ thấy một doi đất khổng lồ nhô lên giữa dòng sông. Doi đất này chẻ lòng sông Trà Khúc thành hai dòng chảy trước khi nhập lại để đổ ra cửa Đại rộng lớn. Tại vị trí này, từ bao đời nay là nơi định cư của hơn một trăm hộ dân.
Người ta hay gọi vùng lõm này là “ốc đảo”. Là bởi, chỉ cách TP. Quảng Ngãi chừng 10 phút đi xe, cách hai bên bờ chừng vài trăm mét, nhưng do không có cầu vĩnh cửu, chỉ có cầu tạm để đi lại mùa khô, nên mỗi khi mưa lũ từ thượng nguồn đổ về, nước sông Trà Khúc dâng lên cuồn cuộn thì ngay lập tức những công trình tạm này bị cuốn phăng ra biển, cả trăm hộ dân bị cô lập nhiều ngày, đời sống thiếu thốn, khó khăn.
Khi dòng nước lũ qua đi, cuốn theo bao nhiêu tài sản, nhà cửa, hoa màu, thì cũng là lúc phù sa bồi lắng để cho những vạt cỏ xanh mọc hoang hoải và bạt ngàn lau trắng nở rộ…
Tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh phía Nam chuẩn bị được xây dựng. Dưới góc nhìn quy hoạch, theo phân tích và tính toán sơ bộ từ 3 dự án hạ tầng trên, nhân với tỷ lệ đất phát triển thì Quảng Ngãi sẽ là địa phương giàu nhất về mặt tiền biển chứ không phải các địa phương lân cận.
Doi đất ấy vẫn đang nằm ngủ yên cho đến tận bây giờ, dù đã từng được khoác cái tên rất lung linh là “Đảo Ngọc”. “Đảo Ngọc” vẫn ẩn sâu dưới lớp cát và những vạt cỏ xanh cho đến một ngày công trình đập dâng sông Trà Khúc được tỉnh Quảng Ngãi khởi công xây dựng cách đây hơn chục năm. Công trình khi đó được người dân hồ hởi đón nhận, nhưng sau khởi công thì rơi vào im lặng và chịu số phận hẩm hiu của dự án “treo”.
Không thể để người dân mãi chịu cảnh thấp thỏm khi mùa lũ tràn về, không để dòng sông Trà Khúc cứ điềm nhiên xuôi về cửa Đại vô ích và không để tài nguyên đã lộ thiên mà không được đánh thức, một lần nữa, quyết tâm của Quảng Ngãi xây dựng đập dâng để khai thác dòng Trà Khúc và đánh thức một vùng đô thị rộng lớn cho tương lai đã tiếp tục được đeo đuổi.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Ngãi lần thứ XIX tiếp tục đề ra chủ trương “chỉnh trị sông Trà Khúc gắn với phát triển đô thị hai bên bờ”, hạng mục đập dâng sông Trà Khúc là một trong những dự án của tổng thể của dự án này. Mục tiêu của dự án khá rõ ràng, cụ thể và mang tầm nhìn chiến lược, đó là đảm bảo nguồn nước dâng hợp lý cho đoạn sông đi qua TP. Quảng Ngãi để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường khí hậu, khai thác quỹ đất tại Đảo Ngọc nhằm phát triển đô thị mới hiện đại, làm cầu nối hai bên sông với Đảo Ngọc, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, bổ sung nguồn nước ngầm, ứng phó biến đổi khí hậu…
“Qua các bước chuẩn bị kỹ càng, ghi nhận và điều chỉnh hợp lý các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước, thực hiện các thủ tục đầu tư đúng pháp luật, tới đây, dự án này sẽ được khởi công xây dựng, đánh dấu cho sự kiện 30 năm trưởng thành của Quảng Ngãi”, ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết.
Tầm nhìn quy hoạch
Chúng tôi đem 3 dự án trọng điểm này của Quảng Ngãi hỏi một số chuyên gia quy hoạch, nhà đầu tư chiến lược ở một số địa phương để có cái nhìn khách quan về nhận diện tiềm năng của Quảng Ngãi từ vai trò của các dự án này. Có những ý kiến mang tầm định hướng, gợi mở, lại có những ý tưởng táo bạo về triển khai các công việc tiếp theo để khai thác tiềm năng và lợi thế của Quảng Ngãi, nhưng nhìn chung đều đánh giá cao tầm nhìn quy hoạch của Quảng Ngãi.
“Sự phát triển của một địa phương cần có tư duy đột phá và hành động thiết thực. Những dự án, công trình mang tính kích hoạt tiềm năng và tạo sự lan tỏa là rất cần thiết. Hơn lúc nào hết, sau khi đã định hình rõ nét con đường hành động cho các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ… thì cần đến lĩnh vực then chốt để các lĩnh vực này được đầu tư phát triển, đó chính là hạ tầng. Do đó, 3 dự án trên của Quảng Ngãi là rất cần thiết”, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Trong khi đó, một thành viên khác trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là TS. Trần Du Lịch thì cho rằng, miền Trung phải xây dựng chiến lược kinh tế hướng về mặt tiền biển. Đối với Quảng Ngãi, lâu nay lĩnh vực kinh tế này bị hạn chế do hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng, chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Việc đầu tư cầu Cửa Đại và tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ là điều kiện cần và đủ cho Quảng Ngãi tạo ra những cú hích lan tỏa từ việc khai thác bất động sản ven biển.
Tuy vậy, ông Trần Du Lịch cũng lưu ý, muốn thành công thì phải quản lý tốt quy hoạch. Việc quy hoạch các dự án du lịch và đô thị tại nhiều địa phương đang còn bất ổn, bị vụn nát và chắp vá. Phần lớn không có quy hoạch định hướng chung và không có quy hoạch 1/2.000 trước khi thỏa thuận địa điểm nên nhìn chung, công tác quy hoạch rất hình thức, chất lượng không tốt, chủ yếu là để cho đủ thủ tục.
“Nhìn vào các địa phương ven biển miền Trung sẽ thấy hiện nay việc tuân thủ quy hoạch gần như bị bỏ qua, kể cả trong cấp phép đầu tư dự án và xây dựng dự án. Quảng Ngãi cần tránh đi vào vết xe đổ này”, ông Lịch nói.
Những ý kiến, trăn trở của những nhà khoa học, chuyên gia đang được tỉnh Quảng Ngãi tiếp thu để quy hoạch hợp lý, khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương để phát triển kinh tế.