Theo báo của tỉnh Quảng Nam, trong 8 tháng năm 2021, kinh tế xã – xã hội trên địa bàn Tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp ổn định … Tuy nhiên, nhiều hoạt động kinh tế gặp nhiều khó khăn; ngành dịch vụ - du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, giải ngân vốn đầu tư công thấp và chưa đạt yêu cầu; thu ngân sách tăng nhưng chủ yếu tăng thu ở những tháng đầu năm, từ tháng 7 số thu thấp dần …
Cụ thể, tính chung 8 tháng, tỉnh Quảng Nam chỉ cấp mới 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 14,69 triệu USD, giảm 2 dự án và giảm 56,9% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Cấp phép 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.897 tỷ đồng, giảm 24 dự án và giảm 35,6% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong 8 tháng, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 845 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.169 tỷ đồng, giảm 5% số doanh nghiệp và giảm 10% số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 583 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 46%; 213 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 99%; 117 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 41%.
Về thu ngân sách, đến ngày 31/8/2021, tổng thu ngân sách nhà nước hơn 14.131 tỷ đồng, đạt 73% dự toán và tăng 54% so với cùng kỳ. Mặc dù số thu ngân sách có vượt tiến độ thu và tăng so cùng kỳ nhưng chủ yếu ở 6 tháng đầu năm, từ tháng 7 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 số thu thấp dần, đến tháng 8 tiếp tục giảm, số thu ngân sách trong tháng đạt 85 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 11.614 tỷ đồng, bằng 58% dự toán; trong đó, chi thường xuyên hơn 6.499 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 5.113 tỷ đồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 15,5% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 gần 3 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 11,8% và giảm ở hầu hết các nhóm hàng hóa; riêng nhóm lương thực, thực phẩm tăng 3,4%.
Ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, Trong 8 tháng, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh 403 nghìn lượt khách, giảm 53% so với cùng kỳ; Doanh thu lưu trú 214 tỷ đồng, giảm 67,8% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành giảm 82,4%, riêng doanh thu ăn uống tăng 21,8%.
Giải ngân vốn đầu tư tiếp tục chậm so với mục tiêu mà tỉnh Quảng Nam đề ra. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên 3,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ, nguyên nhân một số dự án trọng điểm vẫn đang dang dở, chậm tiến độ do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, nhất là các dự án ODA.
Tính đến ngày 31/8/2021, Quảng Nam giải ngân hơn 3.004 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 41,8% kế hoạch; trong đó, vốn năm 2021 giải ngân 1.936 tỷ, đạt 37,8%; vốn năm 2020 kéo dài giải ngân 1.067 tỷ, đạt 51,6%. Với các dự án chậm tiến độ, tỉnh đã rà soát, cắt giảm, điều chuyển và bố trí cho các dự án đảm bảo khối lượng, cần vốn thanh toán. Trong tháng 8/2021, đã rà soát điều chuyển hơn 112,6 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành; các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu giải ngân vốn. Trong đó, gồm 48,5 tỷ đồng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 và hơn 64 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến. Vì vậy, Tỉnh sẽ chủ động kiểm soát dịch bệnh; ưu tiên xử lý các tồn tại, vướng mắc về thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Rà soát các công trình đã bố trí vốn nhưng đến nay chưa triển khai, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn cho các công trình đã có khối lượng nhưng thiếu vốn; Đẩy mạnh các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…