Gần 40% doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khảo sát trực tuyến về tình hình việc làm, thu nhập của người dân và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 cho thấy cả doanh nghiệp và người lao động đang cạn kiệt dần.
Gần 40% doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng

Khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo Điện tử VnExpress tiến hành.

Kết quả cho thấy, trong tổng số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, số doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp).

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong khu vực xây dựng là 76%, cao nhất khi so với các khu vực kinh tế khác. Con số này phản ánh khá khách quan và tương đồng với Kết quả khảo sát tình hình việc làm và thu nhập của người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi tỷ lệ người mất việc của người lao động trong các doanh nghiệp xây dựng cao nhất.

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này chiếm tới 35,4%. Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn. Điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương, địa bàn hiểu khác nhau.

Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì trong khoảng thời gian dự kiến.

Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì trong khoảng thời gian dự kiến.

Dòng tiền của doanh nghiệp được ví như “máu” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao với gần 40%, gấp 2,5 lần tỷ lệ này ở các doanh nghiệp đang “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” (17,7%).

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất với 45% số hộ trả lời có dòng tiền duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng”; tỷ lệ này theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần của Việt Nam là 39,5%; ở loại hình doanh nghiệp nhà nước là 30%; còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%. Điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì khả năng giải thể là rất cao.

Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng là tương đồng giữa nhóm doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm doanh nghiệp phần nào đang “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, đều quanh mức 46%. Con số này có thể có hàm ý, doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.

Nếu nhóm doanh nghiệp đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ “1 đến dưới 3 tháng” mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly/giãn cách thì xác suất các doanh nghiệp này rơi vào nhóm giải thể là rất cao vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.

Vì thế, thời điểm tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho 2 nhóm doanh nghiệp nêu trên nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh.

Để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt, cả doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và doanh nghiệp đang “duy trì sản xuất kinh doanh” đều chủ động chọn giải pháp “giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất”.

Nguồn bên ngoài để các doanh nghiệp có thể giải quyết khó khăn về dòng tiền là việc đi vay. Vay từ ngân hàng thương mại, từ tổ chức tài chính và vay từ gói hỗ trợ của Nhà nước.

Khảo sát cũng đặt câu hỏi với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 từ tháng 5/2021, doanh nghiệp ước tính doanh thu năm 2021 thay đổi thế nào? Trong số các doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch”, có 37% cho biết “doanh thu dự kiến giảm trên 75%” và 32% doanh nghiệp cho rằng doanh thu dự kiến giảm từ 25 - 50%.

Các doanh nghiệp cũng đối mặt với khó khăn về tài chính gồm trả tiền lương; trả lãi suất ngân hàng, trả tiền thuê kho bãi/văn phòng, trả tiền bảo hiểm và trả nợ gốc ngân hàng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục