Quảng Nam đã làm được điều thần kỳ trong phát triển

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, là một địa phương năng động của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam cần tăng cường liên kết vùng, xây dựng được quy hoạch phát triển một cách bài bản, hiệu quả, tạo đà cho sự tăng tốc trong giai đoạn sau.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thưa Bộ trưởng, sau 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã vươn lên trở thành địa phương phát triển mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Có thể nói, sau 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã làm được điều thần kỳ trong phát triển. Diện mạo của tỉnh đã thay đổi căn bản, dựa trên nền tảng lựa chọn đúng định hướng phát triển, tập trung vào 2 trụ cột là công nghiệp chế tạo và du lịch - dịch vụ.  Khởi đầu là một tỉnh thuần nông, đầy khó khăn, đến nay, Quảng Nam đã có thể tự cân đối, điều tiết ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương, đứng thứ hai về mức thu ngân sách và đứng đầu về thu hút vốn đầu tư của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời luôn đứng top đầu các địa phương có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất.

Tôi cho rằng, đây là kết quả rất đáng khích lệ, chứng tỏ Quảng Nam đã tận dụng và phát huy tốt những tiềm năng và lợi thế của mình. Thậm chí, với một trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước đang được định hình, với tiềm năng du lịch tiếp tục được khai thác tốt, với hệ thống hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá và với viễn cảnh phát triển các dự án phái sinh từ việc khai thác có hiệu quả mỏ khí Cá Voi Xanh, Quảng Nam đang đứng trước vận hội lớn để tiến nhanh lên phía trước, chuyển mình để trở thành địa phương kiểu mẫu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Không phải địa phương nào cũng biết cách tận dụng các tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển. Với Quảng Nam, theo Bộ trưởng, chính quyền địa phương sẽ phải làm gì?

Không khó để nhận ra những tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam. Đây là một trong số ít địa phương có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và giao thông thủy nội địa… Hệ thống kết cấu hạ tầng nội tỉnh cũng đang được hoàn thiện. Khu kinh tế mở Chu Lai và mạng lưới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… đang mang lại cơ hội lớn để Quảng Nam mở rộng không gian phát triển công nghiệp. Với bờ biển dài, đặc biệt là có tới 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, Quảng Nam cũng có cơ hội rất lớn để phát triển du lịch.

Như tôi đã nói ở trên, Quảng Nam đã biết cách tận dụng và phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình. Họ cũng đã lựa chọn đúng mô hình chiến lược là dựa vào 2 trụ cột công nghiệp chế tạo và du lịch - dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, đã đến lúc, Quảng Nam cần tính đến định hướng chiến lược phát triển theo chiều sâu, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh không chỉ của tỉnh, mà của cả vùng, cả khu vực.

Cụ thể là thế nào, thưa Bộ trưởng?

Về công nghiệp, hiện tại, trung tâm công nghiệp ô tô Trường Hải và Nhà máy sản xuất ô tô Thaco-Mazda đang trở thành điểm sáng trong chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của cả nước. Đây là mô hình cần phát huy. Đồng thời, cần khai thác hiệu quả mỏ khí Cá Voi Xanh, tập trung thu hút đầu tư mới và phát huy hiệu quả các dự án đầu tư hiện có.

Về du lịch, lâu nay, nhắc tới Quảng Nam, chúng ta thường nghĩ đến Di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, đến bãi biển Cửa Đại, đến Cù Lao Chàm... Đây là những điểm du lịch lớn, thu hút rất nhiều du khách quốc tế và trong nước trong thời gian qua. Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Muốn phát triển du lịch hiện đại và tạo được nguồn thu lớn từ lĩnh vực này, Quảng Nam cần quan tâm phát triển ngành du lịch - dịch vụ theo hướng đẳng cấp và thương hiệu, trong đó, mô hình Khu du lịch, nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An là một ví dụ.

Vậy còn câu chuyện liên kết vùng, thưa Bộ trưởng? 

Quảng Nam có một vị trí chiến lược, đó là có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một địa phương năng động của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì thế, Quảng Nam cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương, gắn với liên kết vùng và quy hoạch phát triển tích hợp, mang tính hiện đại của vùng; biến lợi thế “tĩnh” thành lợi thế “động”; tăng cường sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, dần dần tạo nên thương hiệu mạnh, một địa chỉ đỏ thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, Dự án Luật Quy hoạch dự kiến được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua trong kỳ họp tới. Tôi cho rằng, Luật Quy hoạch sẽ là một căn cứ pháp lý hữu hiệu để các vùng, trong đó có khu vực miền Trung, xây dựng cho mình một quy hoạch phát triển bài bản, thống nhất, hiệu quả, không bị trùng lặp, chồng lấn và không bị phá vỡ một cách tùy tiện.

Một quy hoạch cấp vùng mang tính tích hợp tốt sẽ là cơ sở tốt để thu hút đầu tư, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư trên địa bàn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tôi tin tưởng rằng, Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung, sẽ có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục