Thưa ông, thông điệp mà tỉnh Quảng Nam gửi tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này là gì?
Với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành, nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam lần này được tổ chức với quy mô lớn nhất so với các hội nghị trước đây. Điều đặc biệt là Hội nghị được tổ chức đúng dịp tỉnh Quảng Nam hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, với kỳ vọng rằng, tỉnh sẽ bứt tốc trong thu hút đầu tư.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Hội nghị nhằm giới thiệu với nhà đầu tư trong và ngoài nước những nỗ lực của Quảng Nam trong 20 năm phát triển vừa qua, từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp tương đối khá của cả nước, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Quảng Nam muốn giới thiệu với nhà đầu tư về môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, gắn với cải cách hành chính tại địa phương để mời gọi các nhà đầu tư đến làm ăn. Tỉnh cũng sẽ giới thiệu với nhà đầu tư về định hướng thu hút các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian sắp tới, để nhà đầu tư chọn lựa các dự án phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình.
Trong giai đoạn sắp tới, Quảng Nam sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư cho ngành, lĩnh vực nào?
Quảng Nam vẫn kiên trì tập trung phát triển mạnh cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Hiện nay, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) phát triển rất tốt, nhưng để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh, thì phải giảm giá thành. Muốn vậy, thì phải thu hút thêm nhiều dự án công nghiệp phụ trợ phục vụ Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai - Trường Hải. Đó là ưu tiên số 1 mà Quảng Nam đã đề ra.
Ưu tiên thứ hai là phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may và đi theo đó là công nghiệp hỗ trợ dệt may.
Ưu tiên thứ ba là phát triển mạnh ngành dịch vụ, vui chơi giải trí khu vực ven biển, nhất là phía Đông Nam. Hiện đã có Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An được triển khai tại đây. Nhiều nhà đầu tư khác cũng mong muốn đầu tư ở khu vực này, nhưng Quảng Nam chỉ chọn những nhà đầu tư có thương hiệu, có uy tín, có kinh nghiệm phát triển về đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí để kêu gọi đầu tư.
Thaco đặt mục tiêu đưa Quảng Nam thành "căn cứ địa" của ô tô Việt Nam.
Về nông nghiệp, sắp tới, Quảng Nam cũng sẽ tập trung đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để cung cấp cho thị trường tại chỗ. Tỉnh cũng sẽ phát triển ngành công nghiệp dược liệu chiết suất từ sâm và các loại cây dược liệu quý hiếm khác…
Vậy thuận lợi và khó khăn của Quảng Nam trong thu hút đầu tư là gì, thưa ông?
Hiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn được tiếp cận quỹ đất lớn nhằm tạo ra sự khác biệt tại Quảng Nam. Đồng thời, họ muốn có mặt bằng sạch để triển khai ngay dự án phù hợp với kế hoạch đầu tư của mình. Còn về thủ tục hành chính, họ mong muốn được yên tâm đầu tư lâu dài. Về điều này thì tôi khẳng định, nhà đầu tư hãy đặt niềm tin vào Quảng Nam, vì thủ tục hành chính của tỉnh tương đối tốt.
Tuy nhiên, Quảng Nam đang lo vấn đề mặt bằng sạch, bàn giao đúng tiến độ cho nhà đầu tư. Đây là một trong những trở ngại, vì nhìn chung trên cả nước, công tác giải phóng mặt bằng đều khó khăn. Còn về nguồn nhân lực, dù sở hữu nhân lực đông, dân số vàng, nhưng Quảng Nam cần nghiên cứu để chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu công nghiệp, dịch vụ.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam?
Thu hút đầu tư tại Quảng Nam thời gian qua có sự song hành của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh các dự án có 100% vốn nước ngoài như The Nam Hai (sân golf, khu nghỉ dưỡng), Công ty Giày Rieker Việt Nam, còn có sự hiện diện của các doanh nghiệp trong nước như Thaco, các khu du lịch tại Hội An….
Sắp tới, định hướng của Quảng Nam vẫn tập trung thu hút FDI ở lĩnh vực mà nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực làm được. Tỉnh vẫn ưu tiên nhà đầu tư trong nước vì cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trong hội nhập toàn cầu. Họ hoàn toàn có năng lực tài chính, kinh nghiệm, quản trị cũng như văn hóa để đầu tư.
Không những vậy, họ đã chủ động được việc thuê nhà quản lý nước ngoài, mua bản quyền công nghệ, sở hữu trí tuệ của nước ngoài để áp dụng cho những dự án của mình có những tính năng vượt trội, hài lòng khi đến với người sử dụng, chứ không nhất thiết cái gì mình cũng đi gọi nhà đầu tư nước ngoài.