Dàn xếp để trúng thầu
Thượng tá Phạm Trường Sơn, Trưởng công an TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án vi phạm các quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại huyện Thăng Bình và TP. Hội An.
Trước đó, Công an TP. Tam Kỳ phối hợp với Phòng PA05 bắt giữ khẩn cấp Trần Thanh Dũng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn - Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An và Lê Hữu Vũ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình vì có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu.
Theo thông tin điều tra ban đầu, đầu năm 2021, huyện Thăng Bình thông báo chủ trương xây dựng 2 dự án Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Bình Lãnh) và Trường THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Hà Lam), từ nguồn ngân sách nhà nước. Biết tin, Trần Thanh Dũng nhanh chóng liên hệ với Lê Hữu Vũ đặt vấn đề xin trúng thầu 2 dự án trên. Vũ ra giá, phải trích lại 10% giá trị gói thầu cho Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình, thì mới sắp xếp cho Công ty Đại Bình An trúng thầu. Thỏa thuận ngầm được thông qua.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là, với những quy định chặt chẽ về đấu thầu, làm sao có thể dàn xếp kết quả trúng thầu?
Điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2013 đến nay, Trần Thanh Dũng đã liên kết với một số đối tượng thành lập nhiều công ty để tham gia và dàn xếp các gói thầu xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách tại Quảng Nam, gồm: Công ty cổ phần Tư vấn - Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An (Công ty Đại Bình An), Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Thiên Long, Công ty Trường Phát, Công ty Tư vấn Đấu thầu qua mạng Quảng Nam.
Để trúng 2 gói thầu xây dựng trường học, Dũng lấy danh nghĩa Công ty Trường Phát ký hợp đồng tư vấn mời thầu với Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình. Sau khi Ban Quản lý phê duyệt quyết định mời thầu và đăng thông tin lên trang đấu thầu qua mạng, có 3 công ty mua hồ sơ dự thầu, trong đó có Công ty Đại Bình An của Dũng. Do quen biết, Dũng đã liên hệ với 2 công ty mua hồ sơ dự thầu, thỏa thuận để 2 công ty này xây dựng hồ sơ không đúng yêu cầu dự thầu.
Khi chấm thầu, mặc dù 2 công ty đó bỏ giá giảm thầu cao hơn , nhưng bị rớt thầu do hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu. Kết quả, Công ty Đại Bình An trúng 2 gói thầu với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng.
Theo điều tra của cơ quan công an, khi có kết quả trúng thầu, Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Công ty Đại Bình An; chuyển tạm ứng cho Công ty Đại Bình An 2 tỷ đồng. Dũng đã rút số tiền trên và giao ông Vũ 200 triệu đồng như thoả thuận. Hành vi dàn xếp đấu thầu của Dũng và Vũ đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 220 triệu đồng, có dấu hiệu “vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên quan vụ Công ty Đại Bình An, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiếp tục bắt giữ ông Phạm Văn Điểu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Hội An để điều tra các dấu hiệu sai phạm liên quan đến công tác tổ chức đấu thầu.
Chấn chỉnh
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các vụ việc sai phạm trong đấu thầu vừa qua đã để lại tiếng không hay cho tỉnh; bởi nhiều năm qua, công tác đấu thầu các dự án được Quảng Nam thực hiện công khai, minh bạch và tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Theo ông Quang, tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra giám sát đấu thầu và thường xuyên có văn bản chỉ đạo hoạt động này. Quảng Nam yêu cầu tổ chức thực hiện đấu thầu theo đúng quy định. Trong đó, năm 2021, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng; bảo đảm các gói thầu đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 70% về số lượng và tối thiểu 35% về tổng giá trị. Từ năm 2022, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu…
“Quan điểm dứt khoát của tỉnh trong hoạt động đấu thầu là công khai, minh bạch”, ông Quang khẳng định.