Quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam 'nguy hiểm' thứ 2 khu vực

Rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi gắn quảng cáo vào các video trên mạng tại Việt Nam đang đứng thứ 2 Đông Nam Á.
Hình thức quảng cáo trên các nội dung video có khả năng gặp rủi ro cho thương hiệu ở Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Hình thức quảng cáo trên các nội dung video có khả năng gặp rủi ro cho thương hiệu ở Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á.

Theo kết quả đo lường rủi ro thương hiệu trong môi trường trực tuyến của IAS (Integral Ad Science) 6 tháng cuối năm 2016, với hình thức quảng cáo trên các nội dung video, khả năng gặp rủi ro cho thương hiệu ở Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Indonesia.

Thực tế, các đại lý quảng cáo và doanh nghiệp đều biết, YouTube chính là "mặt trận" chủ lực khi chọn quảng cáo trên video ở Việt Nam. Vào tháng 2/2017, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phát hiện 15 kênh, tài khoản đưa lên YouTube hơn 8.000 video nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật Việt Nam như: bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc...

Các video đó còn được gắn nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn. Đến lúc đó, doanh nghiệp mới nhận ra hết rủi ro có thể gặp phải.

“Chúng tôi rút quảng cáo khỏi Youtube ngay khi có cảnh báo. Chúng tôi muốn bày tỏ thông điệp rằng bản thân doanh nghiệp cũng không muốn xuất hiện thương hiệu của mình trên những nội dung xấu”, ông Nguyễn Trần Hưng Long – Quản lý truyền thông cấp cao của Masan Việt Nam cho biết.

Xaxis - Một hệ thống truyền thông trực tuyến toàn cầu xác nhận gần đây, nhiều nhà quảng cáo đã hủy ngân sách quảng cáo trên YouTube sau sự hoang mang lan rộng về các nội dung không mong muốn đã xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo của mình. Họ quan ngại rằng nhãn hàng có thể được hiểu là ủng hộ và tiếp tay một cách gián tiếp cho một số nhóm và cá nhân muốn tuyên truyền loại nội dung gây tranh cãi.

“Chúng tôi phải cảm ơn vì những cảnh báo của cơ quan chức năng về những nội dung xấu. Điều này làm chúng tôi bừng tỉnh và quan tâm hơn đến độ an toàn thương hiệu của mình trên môi trường internet”, ông Phạm Minh Tiên – Giám đốc tiếp thị Vinamilk nhận định.

Sự phát triển của thị trường quảng cáo trực tuyến cũng chính là con dao hai lưỡi với nhiều rủi ro nếu thương hiệu không đầu tư đầy đủ. Sau giai đoạn sơ khai, khi các thương hiệu mua quảng cáo trực tiếp với từng nhà xuất bản, các mạng quảng cáo (Ad network) ra đời, trở thành trung gian, giúp thương hiệu chỉ làm việc với một đầu mối, còn nhà xuất bản thì bán quảng cáo được dài hạn.

Đến nay, thị trường tiến thêm một bước đến Ad Exchange - một nền tảng công nghệ cho phép các nhà quảng cáo và các nhà xuất bản mua bán, trao đổi các vị trí quảng cáo thông qua cơ chế đấu giá thời gian thực. Chính sự phát triển ngày càng rộng và tự động này khiến các nhãn hàng nhiều khi không kiểm soát hết thương hiệu của mình đang xuất hiện tại đâu.

“Đảm bảo nội dung quảng cáo an toàn hơn đòi hỏi tất cả 3 bên, gồm bên mua quảng cáo, bên bán quảng cáo và đại lý truyền thông đại diện cho bên mua phải thực hiện tròn vai trò và trách nhiệm của mình”, bà Angela Wilson – chuyên gia của Xaxis bình luận.

Theo bà Wilson, các nội dung liên quan đến bạo lực, tình dục, báng bổ, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, tôn giáo, bài bạc, khiêu dâm, phá thai… đang được tạo ra ngày càng nhanh, lũy tiến hằng ngày, hằng giờ trên mạng.“Quy tắc đầu tiên của an toàn thương hiệu là không có gì an toàn 100%”, chuyên gia này kết luận.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục