Quảng Bình thúc tiến độ hai dự án môi trường

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Bình đã có động thái kiên quyết để thúc hai dự án môi trường tại TP. Đồng Hới đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng và giải ngân vốn theo đúng kế hoạch.
TP Đồng Hới, Quảng Bình TP Đồng Hới, Quảng Bình

Giải ngân chậm

Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới - đơn vị được giao quản lý Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới, đến nay, Dự án mới giải ngân được 12,16 triệu USD trên tổng số 29,22 triệu USD vốn vay đã được ký kết trước ngày 12/11/2021. BQL đã tổ chức đấu thầu 14 gói thầu thuộc các hợp phần của Dự án. Các gói thầu được ký kết hợp đồng đã thi công đồng loạt từ đầu tháng 5/2020, hiện còn 4 gói thầu (2 gói xây lắp, thiết bị và 2 gói tư vấn) đang chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu...

“Nhìn chung, tiến độ thực hiện Dự án còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra, trong khi thời hạn Dự án chỉ còn lại 1 năm”, báo cáo của BQL Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới nêu rõ.

Dự án thứ hai về môi trường đang triển khai tại Đồng Hới là Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới. Với dự án này, BQL Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đã thực hiện đấu thầu và trao 10/11 gói thầu (5 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu thiết bị và 4 gói thầu tư vấn). Đến thời điểm này, Dự án mới chỉ giải ngân được 168,1 tỷ đồng (7,4 triệu USD), bằng 19,47% tổng giá trị.

BQL Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới cho biết: “Qua kiểm tra, rà soát, khối lượng thi công các gói thầu xây lắp đang triển khai mới đạt khoảng 25% tổng khối lượng các hợp đồng, không có khả năng hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2022 theo Hiệp định được ký”.

Xử lý nghiêm nhà thầu

Những nguyên nhân khiến cả 2 dự án môi trường “triệu đô” đều bị chậm tiến độ đã được ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc BQL Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới nhìn nhận.

Nguyên nhân khách quan là do chậm trễ trong việc cấp vốn cho 2 dự án. Cụ thể, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới đến tháng 8/2018 mới được bố trí vốn đầu tư công; còn Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đến tháng 7/2019 mới được phê duyệt cấp vốn. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, cả 2 dự án đều gặp trở ngại về vấn đề an toàn bom mình, vật nổ; khó khăn trong giải phóng mặt bằng; ảnh hưởng của Covid-19 cũng như tình hình mưa lũ kéo dài phức tạp trên địa bàn…

Nguyên nhân chủ quan là do năng lực yếu kém của một số nhà thầu thi công. “Một số nhà thầu thi công các gói xây lắp chưa huy động đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu của BQL, có tình trạng chây ỳ. Nhiều nhà thầu bỏ giá thấp ở thời điểm đấu thầu, nhưng do tiến độ dự án bị kéo dài, chi phí nhân công, vật liệu xây dựng bị đội giá trong những tháng đầu năm nay, nên họ thi công cầm chừng để đợi tình hình”, ông Tịnh cho biết.

Trước tình trạng tiến độ 2 dự án bị kéo dài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Phan Mạnh Hùng đã chỉ đạo BQL Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới yêu cầu các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng và giải ngân vốn theo đúng kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn nếu có gói thầu nào không có khả năng thực hiện giải ngân theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết đối với nhà thầu chậm tiến độ, không đáp ứng năng lực thi công…

Một trong những động thái kiên quyết, mới đây, BQL Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đã có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Bình xin chủ trương chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu DH-1.2 (kè nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, cải tạo năng lực thoát nước cầu Cống Mười) thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới và tổ chức đấu thầu lại nhằm tuyển chọn nhà thầu mới đủ năng lực thi công.

Ngày 24/11, trên cơ sở thảo luận và thống nhất từ các sở, ban, ngành liên quan tại cuộc họp về xử lý nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị chấm dứt hợp đồng gói thầu gói thầu DH-1.2.

“Việc xử lý chấm dứt hợp đồng là lời cảnh báo cho các nhà thầu khác trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản hợp đồng dự án. BQL không chấp nhận sự thỏa hiệp nào về chất lượng đầu tư và hoạt động của dự án, đặc biệt là các gói thầu có giá trị trúng thầu thấp”, ông Tịnh nhấn mạnh.

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới có tổng mức đầu tư 58,1 triệu USD, trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 50,2 triệu USD. Dự án có hiệu lực từ ngày 18/1/2018 và sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022.

Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD, trong đó vốn ODA là 31 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á là 30 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 1 triệu USD), vốn đối ứng 7,8 triệu USD. Dự án có 5 hợp phần, gồm 11 gói thầu, thời gian thực hiện 5 năm (2017 - 2022).

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục