Quan trọng là hiện thực hoá lợi ích từ EWEC

(ĐTCK-online) Tuần lễ Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) tại Đà Nẵng chính thức diễn ra từ ngày 27/8 đến ngày 1/9/2007. Nhân dịp này, Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam về những cơ hội đầu tư, kinh doanh mà EWEC có thể mang lại cho Việt Nam.
Ông Ayumi Konishi. Ông Ayumi Konishi.

Ông có thể cho biết đôi nét về ý nghĩa của Tuần lễ EWEC 2007?

Tuần lễ EWEC 2007 là một sự kiện quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và quan tâm về những cơ hội đầu tư kinh doanh tại EWEC. Tuần lễ sẽ tạo cơ hội gặp gỡ, qua đó thu hút sự tham gia nhiều hơn và mật thiết hơn của các chính quyền địa phương mà EWEC đi qua - những nhân tố chính giải quyết các vấn đề thuộc EWEC, các cơ quan chính phủ thuộc các nước EWEC, khu vực tư nhân, các nhà đầu tư và người sử dụng tiềm năng của EWEC, cộng đồng các nhà tài trợ, đối tác phát triển và công chúng. Trong đó, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng, là đối tượng chủ lực biến Hành lang từ chỗ chỉ là một hành lang “giao thông” trở thành một hành lang “kinh tế”.

 

EWEC được nói đến như một hành lang kinh tế với rất nhiều tiềm năng phát triển. Vậy đâu  là cơ hội và lợi ích mà doanh nghiệp, người dân Việt Nam có thể nhận được từ hành lang này?

Vào thời điểm này, lợi ích dễ thấy và rõ ràng nhất mà EWEC mang lại là việc nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nối Việt Nam với các nước láng giềng. Việc nâng cấp đường từ cảng Đà Nẵng, qua hầm đèo Hải Vân, qua Huế, Đông Hà và việc nâng cấp, cải tạo Đường 9 từ Việt Nam tới Cửa khẩu Lao Bảo, xuyên qua Lào tới biên giới Thái Lan, nối cây cầu mới giữa Savanakhet (Lào) và Mudakhan (Thái Lan) đã tạo thuận lợi lớn đối với việc lưu thông trong tuyến hành lang.

Ngoài việc giảm chi phí vận chuyển, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hoá, sự phát triển các hành lang kinh tế còn nhằm mục tiêu xoá đói nghèo, giúp phát triển các vùng nông thôn, biên giới và tăng thu nhập cho các nhóm thu nhập thấp trong phạm vi Hành lang.

EWEC có rất nhiều khả năng để phát triển các khu liên hợp công nghiệp chế biến nông sản dọc theo Hành lang và vận chuyển nguyên liệu thô và các sản phẩm gỗ chế biến ở biên giới Lào. Thêm vào đó, EWEC sẽ giúp thúc đẩy và phát triển du lịch tới các địa điểm du lịch nổi tiếng dọc tuyến Hành lang, như cố đô Huế chẳng hạn.

Khi tất cả hoạt động kinh tế và phát triển trên diễn ra, các cơ hội có thêm việc làm, thu nhập cao hơn và việc mở ra các dịch vụ xã hội chắc chắn sẽ được mở ra đối với người dân địa phương.

 

Theo ông, Việt Nam sẽ giữ vai trò như thế nào trong EWEC?

Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng. Ví dụ, Cảng Đà Nẵng có thể giữ vai trò như chiếc cổng phía Đông cho tuyến hành lang, nhờ đó các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông có thể tiếp cận cảng nước sâu quan trọng này. Trong tương lai, Cảng Đà Nẵng có thể phát triển thành một trung tâm hàng hải khu vực quan trọng trên biển Thái Bình Dương.

 

EWEC đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2006. Theo ông, các nước trong Hành lang đã sử dụng hiệu quả tuyến hành lang này?

Còn quá sớm để có thể nói rằng, các nước này đã tận dụng EWEC một cách hiệu quả. Bây giờ mới là sự khởi đầu cho các quốc gia và quan trọng hơn là khu vực tư nhân của 4 nước thử nghiệm EWEC như một hình thức thay thế cho các dịch vụ vận chuyển, hậu cần (logistics) hiện tại.

Nhìn chung, có thể thấy rằng, các nước và khu vực tư nhân thuộc Hành lang chưa hiện thực hoá được những lợi ích tiềm tàng từ EWEC. Cần có những biện pháp/điều kiện tiên quyết để có thể hiện thực hoá những lợi ích này.

 

Vậy đâu là những trở ngại chính trong việc sử dụng hiệu quả EWEC?

Theo tôi, có 4 trở ngại lớn. Một là, những hạn chế về việc thâm nhập và hoạt động của các phương tiện cơ giới nước ngoài, cũng như những tiêu chuẩn khác nhau về kích cỡ phương tiện, về trọng tải và an toàn. Những yêu cầu này đòi hỏi việc thay đổi rất tốn kém và mất thời gian. Hai là, thủ tục hải quan không đồng bộ, không tương thích... Ba là, vận chuyển, đi lại quá cảnh khó khăn. Bốn là, những yêu cầu hạn chế về thị thực.

Thêm vào đó, EWEC còn thiếu những tiện nghi và những dịch vụ cần thiết dọc Hành lang, như khu vực nghỉ ngơi, trạm dừng xe buýt, trạm xăng..., cũng như các tiện nghi, phương tiện giao thông và  logistic cần thiết cho các hoạt động thương mại đầy đủ (cảng cạn, kho hàng...). Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế đáng kể về hoạt động của người điều hành phương tiện vận tải nước ngoài và điều hành dịch vụ xe buýt trong lãnh thổ các nước EWEC.

Tôi cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để biến EWEC trở thành một hành lang kinh tế thực sự. Điều đáng mừng là các thành viên EWEC đã và đang có những bước tiến tốt trong việc giải quyết những trở ngại trên. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt được những điều mong muốn.

Bình Châu thực hiện.
Bình Châu thực hiện.

Tin cùng chuyên mục