Hướng theo chuẩn quốc tế
Quản trị công ty là khái niệm không mới đối với Việt Nam, cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, từ lâu tầm quan trọng của công tác quản trị đã được các cơ quan quản lý xác định và đưa ra những quy định pháp lý về quản trị công ty, báo cáo và công bố thông tin, giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn…, đồng thời đưa ra các biện pháp giám sát thực thi, xử phạt đối với các hành vi vi phạm để điều chỉnh việc tổ chức quản trị tại doanh nghiệp, nhất là các công ty niêm yết, nhằm định hướng doanh nghiệp hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Trong thực tế, do đặc thù quy mô phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhỏ, trình độ đội ngũ nhân sự còn thiếu và yếu, cũng như có khoảng cách đáng kể với mặt bằng quốc tế, trong khi các quy định của pháp luật chủ yếu đưa ra các chuẩn mực tối thiểu và mang tính hướng dẫn nên trong những năm qua, không ít doanh nghiệp chỉ xây dựng các báo cáo, quy chế quản trị, công bố thông tin mang tính hình thức, đối phó cho đủ thủ tục.
Chúng tôi cam kết đạt được sự xuất sắc trong các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, điều mà chúng tôi xem là nền tảng cho sự bền vững trong hoạt động kinh doanh
- Hội đồng quản trị HSC.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và hội nhập, ban lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp đã và đang xác định được vai trò quan trọng của công tác quản trị, từ đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch, gắn liền thực tiễn hoạt động, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài, tạo niềm tin với cổ đông và nhà đầu tư.
Đọc các Báo cáo thường niên 2016 có thể thấy, hầu hết doanh nghiệp niêm yết hiện đều đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về quản trị như: Xây dựng sơ đồ tổ chức với sự phân công, phân nhiệm tới từng phòng ban, bộ phận; xác định và công bố đến nhà đầu tư mục tiêu của công ty; đưa ra các rủi ro, các chỉ số tài chính và phi tài chính; công bố danh tính, giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan; thông tin về các công ty con, tiểu sử ban quản trị, ban tổng giám đốc…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn còn xây dựng và công bố các thông tin ở mức độ chuyên sâu về các chính sách quản trị hướng đến phát triển bền vững như quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chính sách bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng…
Chẳng hạn, Báo cáo thường niên 2016 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) cho thấy, Ban lãnh đạo Công ty đã thể hiện rõ cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp về sản phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội, cụ thể hóa trong các cam kết, tiêu chí rõ ràng về an toàn, sức khỏe sản phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và tiêu thụ năng lượng…
Tại Báo cáo thường niên của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), các nội dung không chỉ giúp nhà đầu tư định hình phạm vi và mục tiêu chiến lược trong dài hạn, cung cấp góc nhìn toàn diện trên nhiều khía cạnh như tài chính, quản trị, trách nhiệm xã hội, môi trường..., mà còn thể hiện mối liên kết, sử dụng các nguồn lực nhằm tạo ra giá trị của doanh nghiệp...
Tại Báo cáo thường niên của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), thông tin về các loại rủi ro được cung cấp đi kèm với biện pháp quản trị cụ thể, chính sách nguồn nhân lực hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thế hệ 2, 3 nhằm đảm bảo tính kế thừa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản trị…
Đặc biệt, tại nhiều báo cáo, quy trình được xây dựng không chỉ đáp ứng các quy định của pháp luật trong nước, mà còn thực thi các nguyên tắc quản trị, áp dụng những thông lệ quốc tế, được kiểm định và đánh giá độc lập bởi các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước, thể hiện nỗ lực, cam kết công khai và minh bạch hóa công bố thông tin. Đây là nền tảng quan trọng để bước ra “sân chơi” quốc tế, hội nhập và tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp.
Chúng tôi luôn coi một doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, thực thi dân chủ, công bằng, văn minh là một doanh nghiệp bền vững
- Hội đồng quản trị TRA
Như tại BVH, các nguyên tắc về công khai, minh bạch thông tin được tuân theo Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của OECD; mục tiêu phát triển bền vững trong định hướng chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 được xây dựng căn cứ theo nội dung của 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Báo cáo Phát triển bền vững 2016 của BVH được xây dựng trên tiêu chuẩn GRI STANDARDS mới nhất, với những nâng cấp và điều chỉnh toàn diện hơn so với hướng dẫn GRI-G4 trước đây...
Với VNM, hệ thống quản lý được tham chiếu dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn sản xuất được thế giới công nhận như Chứng nhận FSSC 22000 với hệ thống chất lượng sản phẩm; ISO 1401 và ISO 50001 với hệ thống quản lý môi trường, OHSAS 18001:2007 với hệ thống quản lý sức khỏe nghề nghiệp và Chứng nhận Global GAP với hệ thống quản lý tại các trang trại... Báo cáo thường niên của VNM cũng cho thấy sự nâng cấp theo thời gian tại các bộ phận, nhà máy theo các tiêu chuẩn ngày càng cao và toàn diện hơn, tạo sự tin cậy và thuyết phục đến nhà đầu tư...
Tại CTCP Dược Hậu giang (DHG), đánh giá báo cáo chất lượng quản trị của Công ty được đối chiếu với câu hỏi trên Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN, một sáng kiến của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF), với sự hỗ trợ và hợp tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tổng kết trên cả 5 khía cạnh đánh giá quản trị là quyền của cổ đông, đối xử công bằng với các cổ đông, vai trò của các bên có quyền lợi liên quan, công bố thông tin và minh bạch, vai trò và trách nhiệm của HĐQT, kết quả cho thấy có tới 83,75% chỉ tiêu được đánh giá tốt, các chỉ tiêu chưa tốt, chưa thực hiện, hoặc chưa đủ chiếm tỷ trọng thấp.
Quản trị tốt, gia tăng giá trị doanh nghiệp
Báo cáo thường niên 2016 của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhấn mạnh: “Để tối đa hóa giá trị doanh nhiệp, HSC không chỉ quan tâm đến mục tiêu phát triển kinh doanh nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, mà từng bước tập trung nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế, đảm bảo khai thác hiệu quả các nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn”.
Thông qua các báo cáo thường niên, không khó để tìm kiếm các ví dụ về việc nâng cao chất lượng quản trị đã góp phần quan trọng cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Chẳng hạn, việc chuyển đổi mô hình công ty 100% vốn nhà nước sang hình thức công ty cổ phần, đa dạng hóa thành viên Hội đồng quản trị đã giúp nhiều doanh nghiệp từ thua lỗ chuyển sang có lợi nhuận và tăng trưởng những năm qua.
Trong báo cáo “Quản trị công ty ở Việt Nam - Những câu chuyện thành công” của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã lấy thành công của HSC và MWG (CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động) làm ví dụ, với nhiều cải cách quan trọng giúp cải thiện hiệu quả của hội đồng quản trị, trong đó có việc mở rộng hội đồng quản trị bằng cách tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập và thành viên hội đồng quản trị không điều hành nhằm bảo đảm tính khách quan và độc lập của hội đồng quản trị, giảm nhẹ xung đột lợi ích, từ đó giúp lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Hệ thống quản trị doanh nghiệp có vai trò trọng yếu để đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần đảm bảo lợi ích của cổ đông, cân bằng với lợi ích của các bên liên quan
- Hội đồng quản trị PAN
Nhận thấy tầm quan trọng của quản trị với doanh nghiệp, việc tiếp cận và đánh giá về chất lượng hệ thống quản trị, nhân sự của doanh nghiệp ngày càng trở thành yếu tố quan trọng khi lựa chọn doanh nghiệp của nhà đầu tư. Nếu như trước đây, mục tiêu hàng đầu của nhà đầu tư là tập trung vào doanh thu, lợi nhuận… thì hiện nay, bên cạnh hiệu quả kinh doanh, an toàn tài chính, nhà đầu tư còn quan tâm đến yếu tố cân bằng giữa quyền và lợi ích của cổ đông, đảm bảo quyền lợi của những người liên quan như ngươi lao động, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước…
Chính điều đó đã đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ tập trung xây dựng năng lực quản trị, mà còn phải nâng cao nhận thức và hành động trong việc công bố thông tin ra thị trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng đánh giá tính công khai, minh bạch của quản trị công ty.
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp đứng đầu các bảng xếp hạng hoạt động hiệu quả, quản trị tốt theo đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước đều là các tổ chức mà công tác truyền thông, tiếp cận và cung cấp thông tin đến nhà đầu tư được thực hiện một cách bài bản và hiệu quả.
Song song với các thông tin cung cấp bắt buộc như báo cáo thường niên, báo cáo tài chính, biên bản và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên, nghị quyết họp Hội đồng quản trị…, doanh nghiệp còn thường xuyên cập nhật về hoạt động kinh doanh, đầu tư, các số liệu tài chính của các năm trước... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng công bố thông tin bằng tiếng Anh, cũng như công tác quan hệ công chúng.
Đơn cử, Báo cáo thường niên 2016 của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) cho thấy, trong năm 2016, VIC đã tổ chức 120 cuộc họp mặt, hội đàm và thăm dự án cho các nhà đầu tư, tham dự hơn 10 hội thảo trong nước cũng như nước ngoài tại Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Mỹ...
Báo cáo thường niên của VNM cho biết, năm 2016, bộ phận IR của VNM đã có hơn 350 lượt gặp gỡ cổ đông, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân thông qua nhiều hình thức và tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm chia sẻ các chính sách phát triển của Công ty, bên cạnh các chính sách về cổ tức, nhân sự kế thừa...
Ngoài ngôn ngữ tiếng Việt, các tài liệu dành cho nhà đầu tư, bản tin và thông cáo về tình hình tài chính của VNM hay VIC còn được thực hiện bằng tiếng Anh, giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp. Đây là những hành động được thị trường đánh giá cao.
Rất nhiều nghiên cứu tại các thị trường trên thế giới, cũng như tại Việt Nam đều chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có hoạt động quản trị tốt thì khả năng cạnh tranh và tính minh bạch đều tốt hơn, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững, tăng khả năng tiếp cận với các nguồn vốn bên ngoài, tăng khả năng chống chọi với các biến động, khủng hoảng, giá trị doanh nghiệp từ đó cũng cao hơn.
Ngược lại, nếu hệ thống quản trị yếu kém sẽ làm giảm mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư. Trong một giai đoạn nhất định, doanh nghiệp có thể phát triển nhờ diễn biến thuận lợi của môi trường kinh doanh, nhưng về lâu dài, nếu không nhanh chóng xây dựng nền tảng quản trị tốt sẽ dẫn đến sụt giảm hiệu quả hoạt động, thậm chí phá sản, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp gặp “khủng hoảng” truyền thông, chuyển giao thế hệ lãnh đạo…
Dĩ nhiên, để có được hệ thống quản trị mạnh, hiệu quả, gắn liền với thực tiễn là không hề đơn giản. Tuy nhiên, những nỗ lực minh bạch của doanh nghiệp sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng bằng sự tin cậy của nhà đầu tư, gia tăng kết quả kinh doanh, giá trị vốn hóa trên thị trường..., góp phần hình thành nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài.