Quản trị kế hoạch 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dường như có một sự đồng thuận trong quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng 2024: Đó là thách thức và khó khăn còn không nhỏ, nhưng cần coi nó là những “biến số” rất bình thường khi lên kế hoạch kinh doanh.
Quản trị kế hoạch 2024

Đây cũng là quan điểm được giới chuyên gia chia sẻ khi bước vào năm mới.

Chuyên gia Võ Trí Thành nói rằng, thời đại ngày nay ta phải sống với rủi ro, bất lường. Nhưng không chấp nhận rủi ro để hành động thì không thể tiến lên được. Vậy lĩnh vực nào đang là xu thế phát triển của thế giới, cái gì khách hàng cần, là dư địa để doanh nghiệp khai thác và tiến lên?

Ông Edward Lee, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered trong một cuộc bàn tròn với các lãnh đạo doanh nghiệp mới đây nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Lạm phát đã ở mức vừa phải nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trước giai đoạn đại dịch Covid. Chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt tiếp tục là áp lực cho tăng trưởng. Thương mại toàn cầu được dự báo đã chạm đáy nhưng dự kiến sẽ không có sự phục hồi mạnh mẽ.

Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Dấu hiệu được quan tâm là xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, mặc dù thương mại điện tử vẫn chưa thấy tín hiệu tăng trưởng rõ ràng. Ở khía cạnh vĩ mô, để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, giới chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải các-bon.

Nương theo dòng chảy vĩ mô, đã có những doanh nghiệp khởi sắc. Đơn cử như ngành đường sắt, sau nhiều năm èo uột, đã ghi nhận bước tiến về công việc, hợp đồng và kéo theo là dòng tiền, bao gồm cả dòng đầu tư mới từ các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến hạ tầng. Chẳng hạn, Tổng công ty Công trình đường sắt trong năm qua đã ký được hơn 1.000 tỷ đồng giá trị thi công.

Động thái của các doanh nghiệp trong năm 2024 và các năm tới đang là tâm điểm được nhà đầu tư quan tâm, phân tích, mổ xẻ để quyết định xuống tiền, mục tiêu là lướt sóng hoặc dài hạn. Những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu của các doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền với tỷ suất tính trên thị giá cao hơn tiền gửi tiết kiệm, có triển vọng tương đối rõ ràng về khả năng phát triển dài hạn, có năng lực tốt để duy trì cổ tức 2024 đã chậm rãi tăng giá, không bứt phá mạnh mẽ nhưng đều đều.

Chọn chủ đề “Khởi động sớm 2024” để phân tích trong chuyên mục tiêu điểm của số báo tuần này, Đầu tư Chứng khoán chia sẻ góc nhìn thận trọng của các doanh nghiệp nhưng cũng chỉ ra những cơ hội mà doanh nghiệp có thể bứt phá. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng là ngọn gió Đông để thị trường chứng khoán tăng bền vững trong năm 2024. Thậm chí, Dragon Capital còn dự phóng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15-20% thì chỉ số chứng khoán có thể tăng 30%.

Tất nhiên cơ hội không đến với cả thị trường. Tổng kết cho một năm đầu tư, có những nhà đầu tư khoe lãi 20%, có người vẫn ngậm ngùi chưa về bờ. Nhưng người chiến thắng không an nhàn, họ vừa có tầm nhìn vừa có bản lĩnh sử dụng công cụ nợ đúng lúc, đúng thời điểm. Âu cũng như lời ông Võ Trí Thành đúc kết: Quản trị rủi ro để tiến lên.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục