Theo bà Nguyễn Nguyệt Anh, chuyên gia Quản trị công ty của IFC, giao dịch bên liên quan luôn được xem là tình huống có khả năng dẫn đến xung đột lợi ích, nên cần kiểm soát chặt chẽ.
“Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư vào các thị trường mới nổi, IFC rất thấu hiểu tầm quan trọng của quản trị giao dịch bên liên quan trong việc bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Thực tế, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vụ sụp đổ doanh nghiệp do giao dịch bên liên quan trục lợi, gây tổn thất lớn cho cổ đông, làm mất lòng tin vào tính liêm chính của thị trường… Đối với ngành ngân hàng, quản trị rủi ro này là thách thức rất lớn”, bà Nguyệt Anh nói.
Ông Vũ Hữu Điền, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, muốn biết một doanh nghiệp có hệ thống quản trị công ty tốt hay không chỉ cần làm một bài kiểm tra xem doanh nghiệp đó giải quyết giao dịch bên liên quan như thế nào, bởi đa số trường hợp doanh nghiệp có vấn đề đều nằm ở giao dịch bên liên quan và điều này rất đúng với các ngân hàng Việt Nam.
“Theo quan sát của chúng tôi, tại Việt Nam, thực trạng ngân hàng gặp vấn đề với giao dịch bên liên quan diễn ra khá phổ biến do thiếu hướng dẫn, quy trình phê duyệt, cũng như chính sách kiểm soát giao dịch bên liên quan một cách rõ ràng, trong khi lợi ích tập trung ở các giao dịch liên quan là rất lớn. Đáng chú ý, đa phần các giao dịch này đều liên quan tới các thành viên trong HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn của ngân hàng”, ông Điền nói và cho biết, điều này thường dẫn tới các hậu quả xấu như thất thoát tài sản, gây xung đột lợi ích, mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo ngân hàng… Bởi vậy, theo ông Điền, các ngân hàng cần có chính sách, quy chế rõ ràng, minh bạch về giao dịch bên liên quan. Các chính sách, quy chế này cần được cổ đông thông qua và công bố rộng rãi.
“Quản trị công ty là một trong những phần quan trọng nhất tác động đến việc ra quyết định đầu tư của chúng tôi. Thực tế, chúng tôi đã chứng kiến nhiều giao dịch bên liên quan ảnh hưởng đến giá trị ngân hàng. Từ phương diện là một nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam, Dragon Capital chỉ tin tưởng những ngân hàng thể hiện sự cam kết quản trị tốt và minh bạch về giao dịch bên liên quan”, ông Điền nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Hải Phượng, Trưởng Ban Kiểm soát, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, pháp luật hiện không bắt buộc xây dựng một quy chế riêng đối với giao dịch bên liên quan. Dù vậy, thực tế, các quy định về hoạt động này vẫn xuất hiện đâu đó trong Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, hay các nghị định về giao dịch của công ty niêm yết…
“Là ngân hàng niêm yết, MB luôn tìm hiểu các thông lệ tốt để áp dụng vào hoạt động kinh doanh. Hiện MB chưa xây dựng một quy chế riêng về giao dịch bên liên quan, nhưng khi thiết lập quy định nội bộ của Ngân hàng, hoạt động giao dịch bên liên quan đã nằm trong đó. Chẳng hạn, về chính sách tín dụng, MB quy định rõ giao dịch liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan đến cổ đông lớn, hay giao dịch với các công ty con, công ty liên kết của Ngân hàng và không có ưu đãi trong các hoạt động…”, bà Phượng nói.
Nói về khó khăn mà ngân hàng gặp phải trong quá trình cải thiện quản trị công ty nói chung và giao dịch bên liên quan nói riêng, bà Phượng cho biết, quy định ngân hàng phải có tối thiểu 1/3 số thành viên HĐQT là độc lập như tại Nghị định 71/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng là khó khăn không nhỏ, bởi trên thực tế, tìm được một thành viên HĐQT độc lập theo đúng tiêu chuẩn thông lệ là không dễ dàng. Cùng với đó, quy định thành viên này phải là người đảm nhiệm ủy ban phụ trách việc đãi ngộ, lương thưởng… cũng là một thách thức. Ngoài ra, việc công khai giao dịch bên liên quan, hay các vấn đề liên quan đến hoạt động của ban kiểm soát ngân hàng… cũng cần được chú ý và cải thiện.
Ông Jassper Veel, chuyên gia Quản trị công ty của FMO cho rằng, quản trị bên liên quan không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp tại Việt Nam, mà còn tại nhiều thị trường đang phát triển khác.
“Tại mỗi thị trường, chúng tôi đều cố gắng tìm kiếm và xác định vấn đề. Trong đó, việc giao dịch bên liên quan được quy định như thế nào theo luật pháp nước sở tại là điều chúng tôi quan tâm để có thể kiểm soát được rủi ro này”, ông Veel nói.
Theo vị chuyên gia này, các tổ chức tài chính tại Việt Nam cần đảm bảo rằng, các giao dịch bên liên quan được quản lý chặt chẽ, bởi khi xuất hiện tình trạng trục lợi sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, cổ đông và chính tổ chức đó, đồng thời ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành tài chính. Các thông lệ tốt sẽ góp phần phát triển một môi trường đầu tư thuận lợi.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, việc các ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị là chìa khóa giúp phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế”, bà Nguyệt Anh nhìn nhận.