Điều này đảm bảo danh mục tín dụng phù hợp với khẩu vị rủi ro tín dụng nói riêng và khẩu vị rủi ro tích hợp nói chung, đảm bảo đánh giá đúng mức độ hiệu quả của cả danh mục và các cấu phần của nó trên cơ sở rủi ro, qua đó giúp ngân hàng có định hướng kinh doanh phù hợp nhất.
Không chỉ là yêu cầu về vốn
Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30/12/2016 là một dấu mốc quan trọng của ngành ngân hàng Việt Nam trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro, cụ thể việc tính vốn theo các phương pháp tiêu chuẩn theo Basel II.
Kể từ khi Thông tư 41 có hiệu lực vào đầu năm 2020 đến nay, hầu hết các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã thực hiện tính toán và báo cáo theo quy định của thông tư này và dần ứng dụng kết quả tính vốn vào hoạt động quản lý rủi ro và quản lý vốn.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, thông qua Quyết định số 1382/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng cho các ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh và đã hoàn thành việc triển khai Basel II theo các phương pháp tiêu chuẩn triển khai Basel II theo phương pháp nâng cao (FIRB).
Theo Thông tư 41, tài sản có rủi ro tín dụng được xác định từ hệ số rủi ro do Ngân hàng Nhà nước quy định như nhau cho tất cả các ngân hàng, nhưng đối với FIRB, mức độ “nhạy cảm” với rủi ro cao hơn.
Theo FIRB, tài sản có rủi ro tín dụng được xác định từ các tham số PD (xác suất khách hàng không trả được nợ), LGD (tỷ lệ tổn thất khi khách hàng không trả được nợ) và EAD (số dư tại thời điểm khách hàng không trả được nợ). Các ngân hàng tự ước tính PD, LGD và EAD cho khách hàng bán lẻ, tự ước tính PD và sử dụng LGD và EAD do cơ quan giám sát quy định cho khách hàng không phải bán lẻ.
Các mô hình ước tính PD, LGD và EAD về cơ bản được xây dựng trên cơ sở danh mục và dữ liệu của mỗi ngân hàng. Tài sản có rủi ro tín dụng tính theo FIRB sẽ phản ánh đúng hơn đặc điểm danh mục của mỗi ngân hàng.
Áp dụng FIRB không chỉ là yêu cầu về vốn khi Basel II hướng tới việc các ngân hàng sử dụng kết quả của mô hình và kết quả tính vốn vào hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro. Việc áp dụng có thể được cân nhắc thực hiện theo lộ trình phù hợp với từng ngân hàng, xét trên mức độ sẵn sàng của các yếu tố đầu vào và các hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc triển khai các ứng dụng. Các ứng dụng phổ biến có thể kể đến gồm:
Xác định và triển khai ngưỡng cho vay hoặc không cho vay, hoặc cần thẩm định bổ sung từ bộ chỉ tiêu xếp hạng là một ứng dụng phổ biến của mô hình trong hoạt động thẩm định và phê duyệt tín dụng, đặc biệt với các khoản cho vay khách hàng bán lẻ chuẩn. Việc áp dụng ngưỡng này có thể giúp tăng chất lượng và tốc độ thẩm định và phê duyệt tín dụng.
Cùng với mục tiêu ứng dụng và hoạt động kinh doanh, kết quả mô hình như PD, LGD và EAD (gọi chung là mô hình đo lường rủi ro tín dụng) có thể được sử dụng để xác định lãi suất cho vay cho mục đích tham khảo, ở khía cạnh xác định hai cấu phần trong lãi suất cho vay là tổn thất dự kiến cho khoản vay và phần vốn gia tăng cần được tính thêm khi ngân hàng cho vay.
Phân bổ vốn là một trong các ứng dụng được yêu cầu bởi Basel II với mục đích quản lý nguồn vốn hữu hạn một cách hiệu quả hơn thông qua việc phân bổ vốn nhiều hơn vào các hoạt động kinh doanh có hiệu quả tính tới rủi ro cao hơn. Thông tin về hiệu quả hoạt động dựa trên rủi ro là một trong các thông tin cần thiết để xác định chính xác hơn số vốn phân bổ cho các hoạt động kinh doanh.
Các ứng dụng khác gồm thiết lập hạn mức danh mục tín dụng, giám sát danh mục tín dụng và nhiều ứng dụng khác
Thách thức khi áp dụng
Lợi ích từ việc áp dụng FIRB là rõ ràng, nhưng việc tuân thủ FIRB là một hành trình dài với nhiều thách thức.
Thứ nhất, các ngân hàng cần xây dựng các mô hình ước tính các PD, LGD và EAD. Việc xây dựng các mô hình này cho hầu hết các phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, định chế tài chính là không đơn giản khi dữ liệu cần thiết để xây dựng mô hình rất nhiều, trong đó nhiều dữ liệu chưa từng được thu thập và lưu trữ. Chất lượng dữ liệu cũng là một vấn đề lớn, đặc biệt với các ngân hàng lần đầu xây dựng mô hình đo lường rủi ro tín dụng hoặc chưa từng thực hiện các công việc làm sạch dữ liệu nội bộ.
Ngoài ra, các mô hình này cũng cần tuân thủ các yêu cầu định tính và định lượng tối thiểu của Basel II về thiết kế mô hình, độ dài dữ liệu để xây dựng mô hình, ví dụ như độ dài dữ liệu (từ 5 - 7 năm tùy mô hình, vận hành mô hình (quy trình xếp hạng, duy trì dữ liệu), quản trị và giám sát đối với mô hình, sử dụng mô hình.
Đối với yêu cầu về sử dụng mô hình, các ngân hàng cần chứng minh cho cơ quan giám sát rằng ngân hàng đã thực sự sử dụng kết quả mô hình trong thực tế. Thời gian xây dựng mô hình, bao gồm thời gian thu thập và xử lý dữ liệu, xây dựng mô hình và các quy định liên quan thường không ngắn, trung bình trên một năm và có thể dài hơn với nhiều ngân hàng tại Việt Nam đến nay.
Thứ hai, tuân thủ FIRB yêu cầu các ngân hàng phải dành ra một khoản đầu tư rất lớn, bao gồm đầu tư cho các hệ thống công nghệ thông tin. Khác với Thông tư 41 khi việc triển khai tính vốn, xét về khía cạnh giải pháp, chỉ yêu cầu các ngân hàng có hệ thống tính tỷ lệ an toàn vốn, các ngân hàng sẽ cần thêm một hoặc nhiều hệ thống khác hỗ trợ việc triển khai các mô hình PD, LGD và EAD. Trong đó, việc triển khai mô hình PD đối với các khách hàng cá nhân vay mới và khách hàng doanh nghiệp cần được thực hiện trên cấp độ toàn ngân hàng và cần sự tham gia của các chi nhánh.
Thứ ba, đối với các ngân hàng triển khai FIRB trước khi có các hướng dẫn rõ ràng từ Ngân hàng Nhà nước, việc hiểu và áp dụng các quy định của Basel II đúng và phù hợp với thị trường Việt Nam là một trong các thách thức lớn nhất. Basel II là một tiêu chuẩn toàn cầu, một số nội dung mang tính định hướng và Basel II cho phép các quốc gia áp dụng Basel II được tùy chỉnh một số nội dung để phù hợp với điều kiện nước sở tại. Một số nội dung có thể gây khó khăn cho các ngân hàng như:
Xác định tỷ lệ tối thiểu tài sản có rủi ro tín dụng tính theo FIRB trên tổng tài sản có rủi ro tín dụng. Ví dụ: Cơ quan Giám sát Tiền tệ của Singapore (Monetary Authority of Singapore) yêu cầu tỷ lệ này ít nhất từ 60 - 70% vào ngày đầu áp dụng FIRB; Cục quản lý tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc) yêu cầu tỷ lệ này là ít nhất 75% với các ngân hàng triển khai FIRB theo giai đoạn và đến cuối chương trình triển khai FIRB thì tỷ lệ này là ít nhất 85%).
Các quy định về điều kiện tối thiểu để các loại tài sản bảo đảm được chấp nhận để giảm trừ rủi ro tín dụng được trình bày dưới dạng các nguyên tắc gây ra không ít thách thức cho các ngân hàng khi triển khai trên thực tế.
Một số nội dung liên quan đến tính tài sản có rủi ro cho một số loại tài sản như cấp tín dụng chuyên biệt, mua lại các khoản phải thu và một số nội dung khác cũng cần tham khảo từ nhiều nguồn khác ngoài Basel II để đưa ra phương pháp phù hợp.
Thứ tư, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để triển khai và duy trì việc tuân thủ FIRB là một nội dung các ngân hàng cần lưu tâm. Các ngân hàng cần có các nhân sự với các hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến dữ liệu, phân tích dữ liệu, xây dựng và kiểm định mô hình đo lường rủi ro tín dụng, tính toán tài sản có rủi ro. Đánh giá độc lập các nội dung liên quan đến tuân thủ FIRB cũng sẽ là một thách thức rất lớn với bộ phận kiểm toán nội bộ do có nhiều nội dung mới và phạm vi đánh giá rộng.
Tuân thủ các phương pháp quản lý rủi ro và tính vốn nâng cao hơn so với Thông tư 41 là một xu hướng tất yếu với các ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt với rủi ro tín dụng, là rủi ro đóng góp lớn nhất (thường ít nhất từ 80% - theo quan sát tính toán của người viết) vào tổng tài sản có rủi ro của nhiều ngân hàng. Để có thể triển khai tuân thủ FIRB một cách hiệu quả, các ngân hàng nên có bắt đầu hành trình này sớm nhất có thể, sử dụng nguồn lực bên trong và bên ngoài và theo một lộ trình phù hợp với năng lực của từng ngân hàng.
Ghi chú dành cho độc giả: Quan điểm trong bài báo này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.