Quản trị doanh nghiệp: Văn hóa quan trọng hơn quy tắc

(ĐTCK) Việt Nam đang chuẩn bị ra mắt Bộ quy tắc quản trị công ty vào tháng 12 tới. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao các chuẩn mực về quản trị công ty (CG – Corporate Governance) của các doanh nghiệp niêm yết.
Quản trị doanh nghiệp: Văn hóa quan trọng hơn quy tắc

Luật pháp hay quy tắc là chuẩn mực tất yếu, song cần phải hiểu rằng, đó chỉ là một phần nhỏ trong việc thúc đẩy CG và phát triển bền vững, điều quan trọng hơn đó là “văn hóa”.

Trong các báo cáo của CG Watch, Hiệp hội Quản trị công ty châu Á (ACGA) định nghĩa, văn hóa CG là văn hoá mà theo đó các công ty, hội đồng quản trị (HĐQT), nhà đầu tư, các cơ quan trung gian, cơ quan chuyên nghiệp, các phương tiện truyền thông và thị trường thúc đẩy cải tiến CG.

Vậy làm thế nào để Việt Nam tạo dựng được văn hóa này?

Giáo dục CG cho các nhóm liên quan

Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để tăng cường quản trị hiệu quả, áp dụng các thông lệ quản trị tốt để đứng vững trước những thách thức trong hội nhập khu vực, duy trì khả năng cạnh tranh, tăng niềm tin của các cổ đông và thu hút đầu tư nước ngoài.

Giáo dục CG cần được thiết kế cho các nhóm mục tiêu như các thành viên HĐQT, các giám đốc, ban quản lý, ban giám sát, cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan. Vùng quản lý yếu kém nằm trong trách nhiệm của HĐQT. Ở đây, các giám đốc cần hiểu rõ thực tiễn quốc tế tốt nhất trong quản trị, đưa ra các cam kết dài hạn trong việc áp dụng một khung quản trị tiên tiến cho công ty để tăng cường hiệu suất một cách hiệu quả.

Thành lập Viện Thành viên HĐQT

Nói tới giáo dục CG cho các thành viên HĐQT, Việt Nam nên thành lập một Viện Thành viên HĐQT (IoD – Institute of Directors). Đây là một viện nghiên cứu độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp các khóa đào tạo và dịch vụ về quản trị cho các thành viên HĐQT. Đây cũng là nơi để các thành viên HĐQT tiếp xúc và trao đổi kiến thức. Trong khu vực ASEAN, IoD đã được thành lập ở hầu hết các quốc gia, bao gồm Malaysia (1982), Singapore (1998), Thái Lan (1999) và Philippines (1999).

Giáo dục CG cho sinh viên theo học tài chính

Lấy ví dụ từ Đại học Quốc gia Singapore, môn học “CG và đạo đức” là bắt buộc cho sinh viên theo học ngành tài chính. Mỗi bài học bao gồm giảng đường kéo dài 3 giờ mỗi tuần, bài học là sự kết hợp giữa các bài thuyết trình của nhiều giáo sư nổi tiếng cùng với những nghiên cứu tình huống của sinh viên.

Giáo dục CG nên giới thiệu các nguyên tắc cơ bản về quản trị doanh nghiệp, sự khác biệt giữa quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh; tính chất, cơ cấu và cơ chế của cơ cấu quản trị doanh nghiệp cơ bản; tính chất, cách sử dụng và cách sử dụng các công cụ để quản trị doanh nghiệp; đặc điểm của quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.

Những khóa học như vậy sẽ cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên, chính là các cổ đông, nhà đầu tư, giám đốc điều hành tương lai. 

ThS. Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Nghiên cứu quản trị công ty, định chế và tổ chức Đại học Quốc gia Singapore

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục