Quản trị công ty tốt: Chìa khóa nâng giá trị doanh nghiệp

(ĐTCK) Quản trị công ty theo thông lệ tốt là một điều kiện không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.
Quản trị công ty tốt: Chìa khóa nâng giá trị doanh nghiệp

Tại sao quản trị công ty lại có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp?

Hiểu một cách khái quát, quản trị công ty (QTCT) liên quan tới một tập hợp các mối quan hệ giữa ban điều hành, hội đồng quản trị, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác.

Đó là hệ thống các luật lệ, quy tắc, quy trình nội bộ và việc thực thi các nội dung đó nhằm định hướng, điều hành và kiểm soát công ty.

QTCT cũng thiết lập một cơ cấu giúp xây dựng các mục tiêu của công ty, xác định phương tiện để đạt được các mục tiêu đó và giám sát hiệu quả thực hiện các mục tiêu này.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh cho tầm quan trọng của QTCT đối với kết quả hoạt động và sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.

Trong đó, phải kể đến những tác động cụ thể như nâng cao hiệu quả vận hành và chất lượng quản trị rủi ro; nâng cao giá trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu; tăng cường khả năng tiếp cận vốn; duy trì tính kế thừa giữa các đội ngũ điều hành/quản trị.

Báo cáo tổng kết về tình hình QTCT của các tổ chức tham gia Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam các năm gần đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết có điểm QTCT cao, đồng thời ghi nhận các tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tài sản (ROA) và hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) cao.

Điều này phần nào phản ánh mối tương quan giữa quản trị tốt và kết quả tài chính tốt và đây là những yếu tố mà nhà đầu tư rất quan tâm.

Các nguyên tắc QTCT tốt sẽ đóng vai trò thực sự quan trọng trong các doanh nghiệp cần có sự phân định rạch ròi giữa các vai trò: sở hữu, quản trị và điều hành như các doanh nghiệp đại chúng và niêm yết.

Thế nào là quản trị công ty tốt?

Theo nghiên cứu của PwC, QTCT tốt được thể hiện thông qua ba dạng thức sau đây.

Đầu tiên, QTCT được xem là hiệu quả khi doanh nghiệp có cái nhìn rõ ràng về tất cả những rủi ro mà họ phải đối mặt và ảnh hưởng của những rủi ro này đến doanh nghiệp và các ưu tiên chiến lược. Doanh nghiệp phân biệt được đâu là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đâu không phải.

Thứ hai, QTCT tốt được dẫn dắt bởi một hội đồng quản trị thực hiện đúng vai trò của mình thông qua việc vạch ra các mục đích rõ ràng cho doanh nghiệp, đồng thời với việc thể hiện các giá trị phù hợp của doanh nghiệp và đảm bảo các mục đích, giá trị đó được triển khai một cách đúng đắn.

Thứ ba, QTCT tốt thể hiện ở việc doanh nghiệp có những hành vi và quyết định phù hợp trong những “thời điểm quan trọng”, điển hình là các giai đoạn khủng hoảng mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Đây được coi là thử thách lớn nhất để khẳng định QTCT có hiệu quả hay không.

Về cơ bản, QTCT tốt là khi doanh nghiệp xây dựng và duy trì được mối liên kết “nhân - quả” rõ ràng xuất phát từ nhiệm vụ, mục đích và giá trị mà hội đồng quản trị đặt ra xuyên suốt đến việc hình thành các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp, rồi đến việc quyết định và ứng xử hàng ngày diễn ra tại mọi cấp độ trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nào thể hiện được mối liên kết hiệu quả trong QTCT sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn và đạt được các mục tiêu mà họ đã đặt ra.

Các doanh nghiệp Việt Nam gặp những rào cản gì khi thực hiện QTCT theo thông lệ tốt?

Rào cản lớn nhất là tính độc lập và tách biệt về vai trò giữa chủ sở hữu, hội đồng quản trị và ban điều hành chưa được thể hiện đầy đủ trong nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Tình trạng bị lẫn lộn giữa các vai trò vẫn diễn ra, cùng với việc thiếu tôn trọng các nguyên tắc quản trị cơ bản đã được thiết lập dẫn đến xung đột lợi ích và khiến cho QTCT không bảo vệ được quyền lợi của các cổ đông thiểu số và các bên có quyền lợi/nghĩa vụ liên quan.

Tiếp theo là nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống QTCT, nhưng không có cơ chế giám sát một cách độc lập hoặc vận hành thực tế của bộ phận kiểm tra, giám sát chưa theo thông lệ tốt.

Đặc biệt là trong mô hình doanh nghiệp có ban kiểm soát, thực tế hoạt động của chức năng này còn khá hạn chế, thường chỉ dừng ở việc giám sát và đánh giá báo cáo tài chính chứ không đánh giá toàn diện về quản trị rủi ro, quản trị công ty.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có thiết lập mô hình QTCT tiệm cận thông lệ nhưng không có cơ chế báo cáo hay công bố thông tin phù hợp về các thực tiễn triển khai. Một yếu tố liên quan ở đây là nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức công bố thông tin vượt trên những yêu cầu tối thiểu quy định bởi các chế tài hiện hành.

Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của hội đồng quản trị cùng với cơ chế giám sát và công bố thông tin chính là những trọng tâm mà doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện để có thể thực hiện triển khai QTCT theo các thông lệ tốt.

Mọi câu hỏi về quản trị công ty và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.

PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục