Điểm quản trị công ty 2019 cao hơn 2018
Với tổng giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp được đánh giá chiếm hơn 90% giá trị vốn hoá toàn bộ thị trường, có thể nói đây là kết quả đánh giá đem lại bức tranh khá toàn diện về các khía cạnh quản trị của các tài sản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết quả đánh giá cho thấy, các doanh nghiệp đã có cải thiện nhất định trong nhiều khía cạnh quản trị như cải thiện trong công bố thông tin, trong báo cáo vai trò đối với các bên liên quan, trong các thực hành bảo vệ quyền cổ đông, trong các thay đổi về thành phần và cấu trúc Hội đồng quản trị.
Các thay đổi này giúp điểm số QTCT của các doanh nghiệp trong đánh giá năm 2019 có sự tiến bộ thấy rõ so với năm 2018 (thể hiện qua Hình 1).
hình 1: phân bố điểm quản trị công ty qua hai năm đánh giá.
Số lượng doanh nghiệp đạt các mức điểm khá và tốt đã tăng lên đáng kể. Nhóm doanh nghiệp có điểm trên 70 điểm đã tăng từ 3,5% lên 8,4%. Số lượng doanh nghiệp ở mức điểm 60-70 điểm cũng tăng từ 20% lên 32%.
Một trong các yếu tố quan trọng trong cải thiện quản trị doanh nghiệp là tôn trọng nhà đầu tư và các bên liên quan thông qua công bố thông tin về các hoạt động của doanh nghiệp kịp thời và minh bạch.
Phân tích cho thấy, các doanh nghiệp có tinh thần công bố thông tin và minh bạch cũng là các doanh nghiệp đạt được các kết quả đánh giá quản trị tốt.
Nhà đầu tư bên ngoài có thể gia tăng niềm tin vào doanh nghiệp thông qua lượng thông tin mà doanh nghiệp cung cấp. Cải thiện công bố thông tin là việc cần làm và đem lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp trong thu hút vốn đầu tư.
Tăng cường cải thiện công bố thông tin
TS. Nguyễn Thu Hiền, Thành viên Hội đồng sơ khảo đánh giá quản trị công ty trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018-2019 Giám đốc MSM-MBA, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp là kênh đầu tiên tạo ấn tượng cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp có nhiều đối tượng cần phải cung cấp thông tin và thông thường, doanh nghiệp quan tâm nhiều đến khách hàng.
Tuy vậy, để phục vụ tốt khách hàng cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin quản trị đầy đủ trên website của mình.
Các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá năm 2019 đã thành công hơn trong việc cải thiện công bố thông tin về QTCT. Cụ thể, trên 80% doanh nghiệp đã thành công trong việc làm giàu nội dung quản trị trên website, bao gồm công bố báo cáo thường niên tiếng Việt, báo cáo tài chính quý và bán niên.
Bên cạnh đó, việc công bố các thông tin định kỳ của doanh nghiệp cũng được cải thiện. Hơn 80% doanh nghiệp công bố đúng hạn đối với các yêu cầu công bố thông tin định kỳ như công bố báo cáo QTCT 6 tháng và năm; báo cáo tài chính quý, bán niên và cuối năm; báo cáo thường niên.
Tuy vậy, việc công bố Điều lệ công ty và Quy chế QTCT lại chưa được thực hiện tốt. Chỉ khoảng 50% doanh nghiệp khảo sát có công bố các tài liệu này trên website.
Thiết nghĩ, các thông tin QTCT cơ bản này luôn cần thiết và là yêu cầu tối thiểu đối với nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhà đầu tư tiềm năng, nên cần được công bố kịp thời, đầy đủ trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Công bố thông tin sở hữu và thù lao
Công bố thông tin sở hữu là khía cạnh tiếp theo doanh nghiệp chưa đáp ứng tốt. Trong khi việc công bố thông tin tỷ lệ sở hữu các cổ đông nội bộ được thực hiện tốt với hơn 93% doanh nghiệp công bố đúng theo yêu cầu, thì việc công bố cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm cơ cấu cổ đông nhà nước, cổ đông nước ngoài, cổ đông tổ chức, cổ đông cá nhân lại chưa được quan tâm với chỉ 62% doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu công bố này.
Tương tự, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn cũng chưa được công bố tốt với chỉ 57% doanh nghiệp đạt yêu cầu.
Công bố thù lao lãnh đạo, bao gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban Điều hành là một trong các khía cạnh nhạy cảm mà rất nhiều doanh nghiệp tránh né.
Việc công bố các khoản chi cho Hội đồng quản trị bao gồm thù lao, các chi phí và các khoản lợi ích khác của từng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát là một trong số các nội dung quan trọng được quy định phải công bố, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng chỉ ở mức dưới 10%.
Bên cạnh đó, mặc dù công bố thù lao Ban Điều hành chi tiết đến các thành viên quản lý chủ chốt (giám đốc, kế toán trưởng) của công ty đã được quy định trong luật định, nhưng chỉ thiểu số doanh nghiệp tuân thủ.
Doanh nghiệp tránh né công bố bằng nhiều cách, ví dụ gộp thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát vào Ban Điều hành, rồi công bố thành một số tổng chi thù lao lương thưởng, hoặc chỉ công bố lương của Tổng giám đốc và tổng lương của Ban Điều hành.
Mặt khác, yêu cầu công bố thù lao phải được thực hiện tại Đại hội đồng cổ đông cũng là một khía cạnh mà doanh nghiệp chưa đáp ứng.
Để đạt yêu cầu công bố thông tin về thù lao, lương, thưởng của các nhân sự cấp cao, doanh nghiệp cần nêu cụ thể thông tin lương của mỗi thành viên thuộc Ban Điều hành như Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng trong báo cáo tài chính năm và thông qua báo cáo này tại Đại hội đồng cổ đông, hoặc tốt hơn là báo cáo thông tin cụ thể tại Đại hội.
Về vai trò kiểm toán độc lập
Theo thông lệ tốt, kiểm toán độc lập được Ban Kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị tuyển chọn, đề xuất và xin ý kiến cổ đông thông qua.
Trong quá trình hoạt động, Ban Kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán được kỳ vọng sẽ làm việc với đơn vị kiểm toán để tham vấn, nắm bắt tình hình công tác kế toán, lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Cuối năm tài chính, Ban Kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán cần có ý kiến đánh giá vai trò độc lập, chất lượng dịch vụ cung cấp của đơn vị kiểm toán. Các bước này chưa được doanh nghiệp công bố đầy đủ.
Đặc biệt, doanh nghiệp thiếu vắng sự đánh giá của Ban Kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán đối với chất lượng và vai trò độc lập của kiểm toán.
Trong số các khía cạnh đánh giá vai trò độc lập của kiểm toán, Ban Kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán cần nêu rõ tính độc lập của kiểm toán, bởi trên thực tế, kiểm toán độc lập thường không cung cấp dịch vụ phi kiểm toán, nếu có thì cần công bố mức phí kiểm toán và phi kiểm toán.
Có được các thông tin này, cổ đông có thể phần nào đánh giá được chất lượng dịch vụ kiểm toán mà công ty đang sử dụng. Đây là một trong những yêu cầu theo thông lệ tốt của quốc tế.
Tăng cường vai trò kiểm toán của Hội đồng quản trị
Một trong những vai trò quan trọng của Hội đồng quản trị là thiết lập một cơ chế quản trị hiệu quả đảm bảo vai trò kiểm soát rủi ro trong triển khai chiến lược và vận hành doanh nghiệp.
Do vậy, chức năng quản trị rủi ro thông qua công tác kiểm toán được đề cao trong việc thực thi vai trò, trách nhiệm của Hội đồng quản trị.
Gần đây, với những quy định mới cùng các thông lệ quản trị tốt, vai trò chức năng kiểm toán của Hội đồng quản trị ngày càng được chú trọng và đặt ra yêu cầu cấp thiết.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2014 đã khuyến nghị thành lập Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị; Bộ nguyên tắc QTCT Việt Nam khuyến nghị toàn bộ các thành viên của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên không điều hành với đa số là thành viên độc lập; Tiêu chí thẻ điểm QTCT của ASEAN khuyến nghị đa số thành viên Ủy ban kiểm toán là độc lập, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban kiểm toán…
Có thể thấy, mô hình quản trị với Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị cho phép chức năng kiểm toán duy trì tính độc lập cao, đảm bảo tăng cường vai trò giám sát độc lập của Hội đồng quản trị.
Thêm vào đó, Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ phận kiểm toán nội bộ là cánh tay nối dài giúp Ủy ban kiểm toán thực thi các trách nhiệm kiểm soát hoạt động điều hành doanh nghiệp.
Theo nghị định này, công tác kiểm toán nội bộ bắt buộc được thực hiện tại các doanh nghiệp niêm yết kể từ năm 2021. Như vậy, có thể thấy, những bước tiến về định chế đối với chức năng kiểm toán nội bộ doanh nghiệp đã và đang được cải thiện rõ rệt (Hình 2).
Hình 2: tỷ lệ doanh nghiệp có ủy ban kiểm toán.
Nhìn lại việc thực thi các quy định này thông qua kết quả đánh giá năm 2019 cho thấy, việc xây dựng Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị chưa được đa số doanh nghiệp áp dụng, mô hình Ban Kiểm soát truyền thống vẫn chiếm đa số.
Theo kết quả đánh giá năm 2019, chỉ có gần 13% DN thành lập Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị. Trong đó, tỷ lệ thành lập ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là 30%, ở nhóm quy mô vừa là gần 15% và chỉ gần 8% ở nhóm quy mô nhỏ.
Tuy vậy, kết quả đánh giá cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ áp dụng mô hình Ủy ban kiếm toán trong nhóm doanh nghiệp vốn hoá lớn cao hơn đáng kể so với hai nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, đồng thời đã có sự tiến bộ qua hai năm 2018 và 2019 khi số lượng doanh nghiệp áp dụng mô hình tiến bộ này tăng lên nhanh chóng.
Cải thiện điểm QTCT là một cơ hội giúp doanh nghiệp được nhận diện tốt hơn bởi cộng đồng nhà đầu tư, từ đó giúp gia tăng cơ hội mời gọi đầu tư, tiếp cận được vốn đầu tư với chi phí thấp và tiếp cận được các quỹ đầu tư có nguồn lực vốn dồi dào, có công nghệ quản lý tiên tiến.
Kết quả đánh giá hai năm qua cho thấy, có sự quan tâm ngày càng tăng lên của doanh nghiệp đối với kỳ xếp hạng đánh giá QTCT trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết.
Các kết quả phân tích cùng bộ tiêu chí đánh giá chi tiết được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cuộc bình chọn (aravietnam.vn).
Doanh nghiệp nếu thực sự quan tâm đến việc cải thiện QTCT có thể theo dõi chi tiết bộ tiêu chí này để tiếp tục cải thiện các khía cạnh quản trị tại doanh nghiệp tốt hơn nữa.