Tính đến nay, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 đã có hiệu lực hơn một năm. Một trong những nội dung cải cách quan trọng của Luật Doanh nghiệp lần này là thúc đẩy quản trị tốt, đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và bền vững hơn; qua đó hấp dẫn hơn các nhà đầu tư và tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực cũng như vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.
Mặc dù vậy, rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến việc thiết lập quản trị tốt và việc thực thi các nội dung về quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp vẫn còn nhiều lỗi đáng lưu ý.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Chưa nhận thức đúng về lợi ích của quản trị doanh nghiệp tốt
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về lợi ích của quản trị doanh nghiệp tốt đối với phát triển hoạt động kinh doanh về dài hạn. Có những lý do để lý giải việc này. Nếu nhìn ngắn hạn, áp dụng nguyên tắc quản trị tốt trong doanh nghiệp sẽ tốn kém chi phí hơn, gò bó hơn cho hoạt động của một số cá nhân người quản lý; trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa chưa thực sự tốt.
Thực tế, mức độ quản trị doanh nghiệp ở nước ta được đánh giá thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia... (xem Biểu đồ). Trong khi đó, quản trị tốt là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một đối tác tin cậy và ổn định. Do đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp nước ta sẽ bị thua thiệt khi cạnh tranh với doanh nghiệp các nước trong khu vực nếu cùng chào bán một sản phẩm với chất lượng và giá cả như nhau. Trong trường hợp này, doanh nghiệp của các nước khác thường được lựa chọn vì họ có chỉ số quản trị tốt hơn.
Nhận thức chưa đúng quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp
Quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực quản trị tốt, nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Rất nhiều điều khoản về quản trị doanh nghiệp được thiết kế dưới hình thức mở khi quy định “trừ trường hợp điều lệ có quy định khác”, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cụ thể sẽ cân nhắc vào nhu cầu, tính chất hoạt động kinh doanh để áp dụng thực tiễn quản trị tốt hơn nhiều so với yêu cầu của Luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 3 xu hướng đáng lo ngại.
Một là, doanh nghiệp chưa coi trọng quản trị doanh nghiệp tốt. Điều lệ của nhiều doanh nghiệp chỉ đơn thuần sao chép lại những điều khoản tương ứng của Luật Doanh nghiệp. Thậm chí, có điều lệ doanh nghiệp chép nguyên cả cụm từ của Luật như “trừ trường hợp điều lệ có quy định khác”.
Hai là, dường như các lãnh đạo doanh nghiệp chỉ mong muốn thiết lập một khung quản trị doanh nghiệp bằng đúng như quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc này đi ngược lại với mục tiêu, mong muốn của Luật Doanh nghiệp.
Ba là, một số chuẩn mực tối thiểu của Luật Doanh nghiệp cũng được không ít doanh nghiệp cho là còn bất cập, đặc biệt là yêu cầu về nhân sự chuyên trách, không kiêm nhiệm.
Chưa hiểu đúng về việc sửa đổi điều lệ để phù hợp với Luật Doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp chưa có cách hiểu đúng về việc sửa đổi điều lệ để phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của công ty. Thay đổi của Luật Doanh nghiệp hiện hành so với Luật Doanh nghiệp 2005 là hạ thấp tỷ lệ biểu quyết tối thiểu thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông xuống 51% và 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp đối với quyết định thông thường và quyết định quan trọng (từ mức 65% và 75% theo quy định cũ). Các doanh nghiệp cần lưu ý các nguyên tắc sau về những thay đổi nêu trên của Luật.
Thứ nhất, các quy định mới của Luật Doanh nghiệp về tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông sẽ không tự động áp dụng đối với doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực (1/7/2015). Khi thông qua các nghị quyết, doanh nghiệp sẽ phải căn cứ vào tỷ lệ biểu quyết mà đã và đang được quy định trong điều lệ công ty.
Thứ hai, doanh nghiệp không bắt buộc phải sửa đổi điều lệ, trừ trường hợp doanh nghiệp, các cổ đông mong muốn sửa đổi điều lệ để áp dụng tỷ lệ biểu quyết tối thiểu quy định của Luật Doanh nghiệp mới.
Thứ ba, trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì không phải áp dụng tỷ lệ biểu quyết trong điều lệ bằng mức yêu cầu tối thiểu của Luật là tốt nhất. Đứng từ góc độ của chính doanh nghiệp, tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết công ty càng thấp thì càng dễ dàng để thông qua nghị quyết và ngược lại. Đứng từ góc độ khách hàng và bạn hàng, tỷ lệ biểu quyết để thông qua nghị quyết công ty càng cao thì cho thấy quyết định được thông qua càng đáng tin cậy hơn và ngược lại.
Nhìn chung, sau hơn 1 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp thì nội dung mới của Luật về quản trị doanh nghiệp chưa cho thấy tác động tích cực rõ rệt như mục tiêu “mức độ quản trị doanh nghiệp tốt hơn”. Áp dụng quy định về quản trị doanh nghiệp cần có “tư duy ngược” và cái nhìn dài hạn. Áp dụng đúng quy định về quản trị theo Luật Doanh nghiệp thì mức độ quản trị thực tế sẽ dừng lại mức trung bình. Quản trị doanh nghiệp tốt về lâu dài chính là lợi ích của doanh nghiệp.
Theo kết quả đánh giá của Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN do Diễn đàn Thị trường vốn châu Á (ACMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng, trong 3 năm 2012 - 2014, mức độ công khai minh bạch của các doanh nghiệp Việt Nam có khoảng cách khá lớn so với 5 nước khác trong khu vực được đánh giá, dù số điểm trung bình của các doanh nghiệp năm 2014 tăng gần 24% so với kết quả đánh giá năm 2012.
Trong cùng khoảng thời gian, điểm số của các doanh nghiệp Philippines tăng 37%, Indonesia tăng 32%, Singapore tăng 27%, Thái Lan tăng 25%, Malaysia tăng 21%.
Mức điểm trung bình năm 2014 của các doanh nghiệp Việt Nam là 35,1 (có 50 doanh nghiệp niêm yết tham gia đánh giá), trong khi mức điểm của Thái Lan là 84,5, Malaysia là 75,2, Singapore là 70,7, Philippines là 67, Indonesia là 57,3.