Tại cuộc họp này, ông A là thành viên HĐQT có liên quan đến nội dung biểu quyết nên không có ý kiến biểu quyết, 4 thành viên HĐQT còn lại đều thông qua việc từ nhiệm của ông A.
Đối với nội dung bổ nhiệm thành viên HĐQT thay thế là ông B, có 2 thành viên HĐQT đồng ý và 2 thành viên HĐQT còn lại không đồng ý. Mặc dù vậy, nghị quyết HĐQT vẫn thông qua việc bổ nhiệm ông B vào HĐQT do Chủ tịch HĐQT là một trong hai thành viên biểu quyết đồng ý. Nghị quyết này có hiệu lực ngay sau cuộc họp. HĐQT đã không tiến hành triệu tập ĐHCĐ để thông qua việc bổ nhiệm thành viên HĐQTthay thế nêu trên, mà chờ đến kỳ ĐHCĐ thường niên để trình và thông qua nội dung này. Trong quá trình là thành viên HĐQT, ông B đã tham gia biểu quyết để thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các quyết định của HĐQT.
Tại ĐHCĐ thường niên, ông B đã không được sự chấp thuận của ĐHCĐ bổ nhiệm vào HĐQT, thay vào đó, ông C được đại hội bỏ phiếu chấp thuận bổ nhiệm làm thành viên HĐQT. Các cổ đông của công ty cho rằng, việc HĐQT tự bổ nhiệm ông B giữ chức vụ thành viên HĐQT mà không tiến hành triệu tập ĐHCĐ để thông qua nội dung này là vượt thẩm quyền của HĐQT.
Đồng thời, các quyết định của HĐQT có sự tham gia biểu quyết của ông B với tư cách là thành viên HĐQT trong thời gian chưa có sự chấp thuận của ĐHCĐ là không có hiệu lực. Một số cổ đông đã gửi văn bản đến công ty để phản đối các quyết định của HĐQT có sự tham gia của ông B.
Câu hỏi trong trường hợp này là việc phản đối của các cổ đông nêu trên có cơ sở pháp lý không? Trong trường hợp việc tự bổ nhiệm thành viên HĐQT nhằm mục đích để thông qua các quyết định HĐQT có dấu hiệu ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông thì các cổ đông sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Bà Vũ Thu Hằng ,Luật sư Điều hành HP, aw Theo Điều 104, Luật Doanh nghiệp, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ và phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp. HĐQT không có thẩm quyền trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT. Trong trường hợp nêu trên, HĐQT bổ nhiệm ông B vào HĐQT mà chưa được sự chấp thuận của ĐHCĐ là chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải kiểm tra lại Điều lệ hoạt động của công ty về thẩm quyền của ĐHCĐ và HĐQT đối với nội dung này. Một chi tiết cần lưu ý là các công ty đại chúng thường thông qua điều lệ của mình theo Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty đại chúng được ban hành kèm theo Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. Trong đó, Điều 11 của Điều lệ mẫu quy định: “Thành viên HĐQT bị cách chức, miễn nhiệm hoặc vì một lý do nào đó không thể tiếp tục làm thành viên HĐQ. HĐQT có thể bổ nhiệm người khác tạm thời làm thành viên HĐQT. Việc bầu mới thành viên HĐQT thay thế phải được thực hiện tại ĐHCĐ gần nhất”. Ngoài ra, cũng tại Điều lệ mẫu, khoản 5 Điều 24 quy định: “HĐQT có thể bổ nhiệm người khác tạm thời làm thành viên HĐQT thay thế và thành viên mới này phải được sự chấp thuận của ĐHCĐ. Sau khi được ĐHCĐ chấp thuận, việc bổ nhiệm thành viên mới này được coi là có hiệu lực vào ngày được HĐQT bổ nhiệm. Trong trường hợp thành viên mới không được ĐHCĐ chấp thuận, các quyết định của HĐQT cho đến thời điểm diễn ra ĐHCĐ có sự tham gia biểu quyết của thành viên HĐQT thay thế vẫn được coi là có hiệu lực”. Như vậy, trong trường hợp của công ty nêu trên, nếu Điều lệ của công ty có áp dụng Điều lệ mẫu thì việc HĐQT bổ nhiệm ông B làm thành viên HĐQT thay thế và các quyết định của HĐQT có sự tham gia của ông B là phù hợp và có hiệu lực cho đến thời điểm diễn ra ĐHCĐ thường niên. |