Quản trị công ty, làm gì để... bớt xấu hổ?

(ĐTCK) "Bước chân sang các TTCK khu vực và quốc tế, thật khó mà không có cảm giác xấu hổ khi thẻ điểm quản trị công ty của DN Việt Nam còn thấp, thấp nhất trong 6 nước thuộc khu vực ASEAN được chấm điểm mới đây".
DN muốn vươn cao, nền tảng quản trị phải vững vàng DN muốn vươn cao, nền tảng quản trị phải vững vàng
Đó là chia sẻ của Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thành Long với ĐTCK, đồng thời cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng UBCK sẽ thúc đẩy thực hiện thời gian tới, là thúc đẩy quản trị công ty của DN niêm yết tốt hơn.

Điểm quản trị công ty của DN Việt Nam dưới trung bình

Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN là bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên các quy tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và khuôn khổ luật pháp quản trị công ty của các nước tham gia dự án này. Chương trình này được xúc tiến thực hiện từ năm 2011, với sự tham gia của Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Theo đó, về nguyên tắc, mỗi quốc gia chọn ra 100 DN lớn nhất để đánh giá. Tuy nhiên, do tài liệu về DN bị hạn chế, đặc biệt là sự hạn chế về các báo cáo bằng tiếng Anh của DN, nên Việt Nam chỉ có 40 DN tham gia chương trình đánh giá năm 2013.

Bảng câu hỏi để "định vị" chất lượng quản trị công ty của chương trình gồm 179 câu, chia làm 5 khía cạnh đánh giá. Thứ nhất là quyền cổ đông, điểm tối đa 10; thứ hai là đối xử công bằng với các cổ đông, điểm tối đa 15; thứ ba là vai trò của các bên liên quan, điểm tối đa 10; thứ tư là công bố và minh bạch thông tin, điểm tối đa 25. Cuối cùng là vai trò và trách nhiệm của Hội đồng quản trị, điểm tối đa 40.

Kết quả đánh giá cho thấy, số điểm quản trị công ty của DN Việt Nam ở mức dưới trung bình. Mức dao động từ 15,2 điểm đến 54,1 điểm, với giá trị trung bình chỉ có 33,9 điểm. Lĩnh vực chiếm nhiều điểm nhất trong 5 phần chấm là trách nhiệm của Hội đồng quản trị, lại cho thấy một thực tế đáng buồn: mức điểm của DN Việt Nam được chấm chỉ dao động từ 4,3 - 14,2 trên điểm tối đa phần này là 40 điểm. Mức điểm này chưa đại diện cho bức tranh chung toàn thị trường, bởi thực tế chỉ chấm trên 40 DN có công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng cũng cho thấy, điểm quản trị công ty của Việt Nam ở mức thấp, thấp nhất trong 6 nước được chấm điểm.

Hoạt động quản trị công ty của hầu hết DN Việt Nam vẫn là vùng đất khô cằn cần được khai phá

Nỗ lực cải thiện

Về phía UBCK, tìm hiểu của ĐTCK được biết, từ vài năm nay, việc thúc đẩy hoạt động quản trị công ty là một trong những giải pháp UBCK rất nỗ lực thực hiện. Trên bình diện pháp lý, Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty đại chúng đã được Ủy ban soạn thảo, trình Bộ Tài chính ban hành, làm hành lang pháp lý ban đầu, buộc DN hướng theo khuôn khổ quản trị công ty tiên tiến. Cùng với đó, một số lớp đào tạo về quản trị công ty cũng đã được UBCK phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện, nhằm phổ cập dần những quy chuẩn tiến tiến về mảng việc này trong các DN Việt Nam.

Về dài hạn, việc thúc đẩy hình thành một tổ chức có nhiệm vụ chuyên hỗ trợ quản trị công ty của các DN niêm yết và DN đại chúng, cũng là việc UBCK đang tính đến và bàn thảo với một số tổ chức quốc tế để tìm sự hỗ trợ. Ở cấp Sở GDCK, cả 2 Sở đều đã có những nỗ lực thúc đẩy quản trị công ty và gần đây, nỗ lực này được đẩy mạnh hơn nhiều so với trước.

Tại Sở GDCK TP. HCM, trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên bắt đầu từ năm 2013, Hội đồng chấm có thêm một bộ phận quan trọng chuyên chấm nội dung quản trị doanh nghiệp do đại diện IFC chủ trì. Năm 2014, một giải thưởng mới, dành riêng cho DN đạt điểm cao nhất phần thông tin về quản trị công ty đã được Ban Tổ chức quyết định thực hiện, nhằm tạo thêm động lực cho các DN niêm yết cải thiện chất lượng nội dung này.

Phần chấm điểm quản trị công ty chiếm tới 36 điểm, là phần có số điểm cao nhất trong ba phần chấm điểm một Báo cáo thường niên của DN. Nhóm chấm quản trị công ty đã soát xét báo cáo của từng DN một cách chặt chẽ và chi tiết đến từng 0,5 điểm, để đánh giá cụ thể chất lượng thông tin quản trị, đồng thời phát hiện những lỗ hổng đang tồn tại và đưa ra các khuyến nghị thiết thực cho DN, cho thị trường.

Trong cuộc bình chọn năm nay, Ban tổ chức quyết định chỉ có 1 DN duy nhất là Vinamilk được lựa chọn trao giải Quản trị công ty tốt trong khuôn khổ Cuộc bình chọn báo cáo thường niên 2014. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự nỗ lực của các cơ quan hữu quan, hy vọng số DN được điểm cao và nhận sự vinh danh trong các năm tới sẽ tăng dần, cải thiện hình ảnh về quản trị công ty của mỗi DN và của toàn thị trường.

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), tháng 6/2014, HNX quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về quản trị công ty với mong muốn Hội đồng sẽ tư vấn các giải pháp làm thế nào để nâng cao chất lượng minh bạch, chất lượng quản trị công ty cho các DN, trước hết là DN niêm yết.

Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn, bà Vũ Thị Kim Liên, cải thiện chất lượng quản trị công ty là một quá trình lâu dài, nhưng DN muốn quản trị tốt, trước hết phải minh bạch tốt. Năm 2014 cũng là năm thứ hai, HNX tổ chức chương trình chấm điểm quản trị công ty với chủ điểm minh bạch và công bố thông tin. Trong năm nay, lượng câu hỏi "soát xét" chất lượng minh bạch của các DN niêm yết tại HNX tăng từ 75 lên 121, nhằm đánh giá sát hơn chất lượng minh bạch tại DN.

Còn nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng “đội sổ” trong điểm số về bảo vệ nhà đầu tư, như giúp DN nhận ra lợi ích từ sự minh bạch, thúc đẩy TTCK vận hành đúng theo quy luật thị trường... Ngoài nỗ lực của nhà quản lý, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi DN có sự chuẩn bị tốt về con người, về hạ tầng luật pháp và có tâm thế sẵn sàng minh bạch, khi đó, sự minh bạch mới có thể thực thi theo đúng nghĩa mà nhà đầu tư cần.

Làm rõ hiện trạng, hỗ trợ, đốc thúc, khen thưởng và có chế tài với chất lượng minh bạch và công bố thông tin của DN là bước đi đầu tiên của UBCK, Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội góp sức cải thiện thứ bậc thẻ điểm quản trị công ty của các DN Việt Nam. Từ phía DN, việc hướng đến quy chuẩn quản trị công ty tiên tiến là cách tốt nhất để hướng đến sự phát triển bền vững, hài hòa quyền lợi của DN trong quyền lợi chung của cổ đông, đối tác và cộng đồng.

Trên bình diện quốc tế, UBCK cho biết, một dự án cải tạo chất lượng thông tin DN, thông tin thị trường bằng tiếng Anh đang được cơ quan này nỗ lực thực thi. Dự án này nằm trong kế hoạch tổng thể nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Trong tương lai, khi thông tin về DN, về TTCK Việt Nam được truyền tải tốt hơn bằng tiếng Anh, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia và nhận sự đánh giá cao hơn từ các tổ chức quốc tế, trong việc định lượng chất lượng quản trị công ty hay các cuộc thi có tính toàn cầu khác.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục