Rất nhiều trường hợp có thể được xem như là hậu quả của việc quản trị doanh nghiệp yếu kém. Chẳng hạn vụ sụp đổ của Tập đoàn Enron (năm 2001), vụ bê bối của Tập đoàn Worldcom (2002), Công ty Parmalat phá sản (2004), bê bối về gian lận kế toán của Công ty Olympus (2011) hay của Tập đoàn Toshiba (2015)… Nhắc lại các trường hợp này để thấy rằng, những lỗ hổng về quản trị có thể dẫn tới hậu quả to lớn với doanh nghiệp, thậm chí dẫn tới việc phá sản cả tập đoàn kinh tế lớn.
Nguyên tắc quản trị công ty của OECD được cập nhật năm 2015 gồm 66 trang, không bắt buộc áp dụng và có thể làm tham chiếu quy định về quản trị công ty ở Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta mới áp dụng 31/128 điểm.
Đánh giá quản trị công ty của các nước ASEAN mới nhất cho thấy, từ năm 2012 trở lại đây, Việt Nam luôn ở thang điểm thấp nhất, so với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Theo OECD, quản trị công ty là một loạt mối quan hệ giữa ban giám đốc, hội đồng quản trị, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác trong một doanh nghiệp. Quản trị công ty còn là một cơ chế, để thông qua đó, xác định các mục tiêu của doanh nghiệp, phương tiện để đạt được các mục tiêu đó và theo dõi kết quả thực hiện.
Các lợi ích từ quản trị công ty hiệu quả rất nhiều, bao gồm thúc đẩy hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí huy động vốn, tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm nguy cơ tham nhũng, giúp vượt qua khủng hoảng kinh tế, đảm bảo tính công bằng đối với các cổ đông; hướng tới lợi ích các bên liên quan của doanh nghiệp và toàn xã hội. Khi doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng bộ quy tắc quản trị công ty, cần tham khảo các nguyên tắc quản trị công ty theo OECD để vận dụng một cách sáng tạo vào doanh nghiệp của mình với từng đặc điểm cụ thể.
Nguyên tắc 1: Bảo đảm cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả. Nguyên tắc này bao gồm thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, phát triển kinh tế; phù hợp với pháp luật, minh bạch, khả năng cưỡng chế thực thi; trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan quản lý và phục vụ lợi ích công chúng.
Cũng cần lưu ý là, các cơ quan quản lý, giám sát và thực thi phải đảm bảo liêm chính, đủ thẩm quyền và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên nghiệp và khách quan; quy định của thị trường chứng khoán hướng tới quản trị công ty hiệu quả; hợp tác xuyên biên giới (như việc tham gia Thẻ điểm cân bằng ASEAN - ASEAN CG Scorecard).
Đánh giá quản trị công ty của các nước ASEAN mới nhất cho thấy, từ năm 2012 trở lại đây, Việt Nam luôn ở thang điểm thấp nhất, so với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Ở từng lĩnh vực, Việt Nam cũng chỉ có mức điểm khiêm tốn, chẳng hạn, tổng bảng xếp hạng năm 2014, mục quyền của cổ đông, chúng ta chỉ đạt 4,64 điểm, thấp hơn cả Philippines đạt 4,59 điểm. Hay mục trách nhiệm của hội đồng quản trị, chúng ta đạt 9,02 điểm, trong khi vị trí trên Việt Nam đạt 20,2 điểm. Ở mục minh bạch, chúng ta chỉ đạt 11,69 điểm, trong khi nước ở vị trí liền trước là Philippines đạt 16,28 điểm…
Nguyên tắc 2: Đảm bảo quyền lợi của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản, gồm các phương thức đăng ký quyền sở hữu, chuyển nhượng cổ phần, tiếp cận thông tin, tham gia và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông, bầu và bãi miễn các thành viên hội đồng quản trị, hưởng lợi nhuận; quyền của cổ đông trong việc được tiếp cận đầy đủ thông tin, tham gia và phê chuẩn các quyết định quan trọng của doanh nghiệp; quyền của cổ đông đối với đại hội đồng cổ đông, bao gồm việc cho phép bỏ phiếu xuyên biên giới; bảo đảm bình đẳng của mọi cổ đông trong cùng một nhóm; xử lý các vấn đề giao dịch với các bên liên quan; bảo vệ cổ đông thiểu số; doanh nghiệp cần được kiểm soát theo cơ chế hiệu quả và minh bạch.
Nguyên tắc 3: Nhà đầu tư có tổ chức, thị trường chứng khoán và các trung gian khác. Nhà đầu tư có tổ chức trong vai trò ủy thác cần công bố về chính sách quản trị công ty và chính sách biểu quyết liên quan đến các khoản đầu tư. Với vai trò là người giữ hộ hoặc người được đề cử, các tổ chức này chỉ được thực hiện quyền theo định hướng của người sở hữu cổ phiếu.
Nhà đầu tư có tổ chức trong vai trò ủy thác cần công bố về việc quản lý các xung đột lợi ích trọng yếu có thể ảnh hưởng đến vai trò sở hữu trực tiếp của họ đối với khoản đầu tư.
Các nhà tư vấn chuyên gia phân tích, người môi giới, tổ chức xếp hạng cần đưa ra phân tích và ý kiến tư vấn phù hợp với quyết định của nhà đầu tư, giảm thiểu xung đột lợi ích và hướng tới sự chính trực; cấm các giao dịch nội gián, thao túng thị trường; quy định với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nguyên tắc 4: Các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty, như khách hàng (liên quan đến doanh thu), nhà cung cấp (nguyên vật liệu, máy móc thiết bị), người lao động (chi phí lương), tổ chức tín dụng (chi phí lãi vay), chính phủ (thuế), chủ sở hữu (lợi nhuận)… cần được quy định trong luật và cần tôn trọng các thỏa thuận giữa hai bên; có cơ chế bảo vệ quyền, thực hiện việc khiếu nại, tố cáo khi vi phạm quyền, cơ chế tham gia của người lao động; quyền được tiếp cận thông tin phù hợp, đầy đủ, kịp thời và tin cậy; việc tự do trao đổi thông tin về những quan ngại và hành vi bất hợp pháp hoặc không phù hợp đạo đức; quy định việc thực thi hiệu quả quyền của chủ nợ trong trường hợp phá sản.
Nguyên tắc 5: Công bố thông tin và tính minh bạch. Các thông tin cần được công bố, trong đó bao gồm khuyến khích việc tự nguyện công bố các thông tin phi tài chính; yêu cầu chất lượng thông tin kế toán, tài chính và phi tài chính; yêu cầu thông tin đối với báo cáo thường niên; yêu cầu đối với kiểm toán viên độc lập: kênh công bố thông tin.
Nguyên tắc 6: Đề cập đến trách nhiệm của hội đồng quản trị, hành động vì lợi ích cao nhất của công ty và cổ đông; đối xử công bằng với mọi cổ đông; áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cao, phải quan tâm tới lợi ích của các bên có quyền lợi liên quan khác; thực hiện một số chức năng quan trọng trong đó có chức năng quản trị rủi ro, kế hoạch thuế và kiểm toán nội bộ; đưa ra các nhận định độc lập và khách quan.
Thúc đẩy việc tiếp cận thông tin và đào tạo cho đại diện của người lao động; khuyến khích việc đào tạo và đánh giá hội đồng quản trị cũng như thành lập các ủy ban chuyên trách như ủy ban lương thưởng, quản trị rủi ro và kiểm toán.
Hội đồng quản trị còn phải rà soát và định hướng các lĩnh vực quan trọng của công ty, giám sát hiệu quả của các hoạt động quản trị công ty: giám sát kết quả hoạt động của ban điều hành và quy hoạch kế nhiệm; đảm bảo sự minh bạch của quy trình đề cử và bầu hội đồng quản trị; giám sát và xử lý các xung đột lợi ích; đảm bảo tính trung thực của hệ thống báo cáo kế toán và tài chính: giám sát quy trình công bố thông tin và truyền thông.
Trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập như hiện nay, các vấn đề cần đặc biệt quan tâm là trách nhiệm và bổn phận của thành viên hội đồng quản trị, cơ cấu của hội đồng quản trị, vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập và các ủy ban thuộc hội đồng quản trị; chế độ lương thưởng của thành viên hội đồng quản trị;
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý các vấn đề khác có thể tác động lớn tới thực thi quản trị công ty như thay đổi về chiến lược kinh doanh, chẳng hạn, các chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ.
Có những tập đoàn như Foxconn sa thải tới 5.000 nhân công vì dùng rôbốt. Đây là một thực tế mà người làm quản trị cũng cần tính đến trong bối cảnh nền công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão, có thể làm thay đổi cấu trúc của doanh nghiệp trong tương lai.