Trước hết, theo ông Đức, nhiều quy định được viết không đủ rõ ràng, không phù hợp với loại văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử các điều như: Điều 7.2 đưa ra những nội dung về "sắp xếp chương trình nghị sự, bố trí địa điểm, thời gian hợp lý", "Đối với những vấn đề nhạy cảm"; Điều 12.1: "Cơ cấu HĐQT cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên...".
Điều 15.2 yêu cầu "Biên bản họp HĐQT phải được lập chi tiết và rõ ràng" Tương tự là Biên bản hợp Ban kiểm soát tại Điều 23.1. Điều 16.1: "HĐQT công ty niêm yết cần thành lập các tiểu ban..." hay "HĐQT nên chỉ định thành viên độc lập...".
Điều 16.2: "Tiểu ban nhân sự, tiểu ban lương thưởng nên bổ nhiệm một...". Hay mơ hồ như điều 28.2: "Công ty đại chúng cần hợp tác tích cực với người có quyền lợi liên quan đến công ty..."
Điều 32.2 quy định: "Ngôn từ trong công bố thông tin cần rõ ràng, dễ hiểu và tránh gây hiểm làm cho cổ đông và nhà đầu tư"….
Nếu quy định như vậy, trong khi thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức điểm thấp nhất về quản trị trong khối các doanh nghiệp trong ASEAN, việc thực hiện những quy định như trên liệu có khả thi? Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được thì có kết luận là vi phạm hay không và nếu có sẽ xử phạt thế nào? Sẽ là khả thi và phù hợp hơn nếu những điểm trên đưa vào tài liệu hướng dẫn quản trị, đào tạo, điều lệ mẫu có tính chất, quy chế nội bộ về quản trị công ty để các doanh nghiệp tham khảo, gợi ý.
Một số điểm chưa hợp lý cũng được Luật sư Đức chỉ ra trong dự thảo Nghị định. Đơn cử, Điều 3.2.C đưa ra tiêu chuẩn thành viên độc lập HĐQT có thể sở hữu 4,9% cổ phần là không hợp lý, thậm chí trái luật. Điều 6.1: Yêu cầu Đại hội đồng cổ đông thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty. Hay điều 7.1: Chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông tối thiểu 20 ngày. Sau đó vẫn có quyền dự họp, cần chỉ rõ. Hay điều 12.4 và 5: HĐQT được bổ nhiệm tạm thời 1/3 số thành viên HĐQT là không đúng với quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Điều 51 về "Con dấu", Điều lệ mẫu đưa ra quy định "HĐQT quyết định thông qua con dấu chính thức của công ty", cũng được cho là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và mâu thuẫn với Nghị định 96 và "con dấu".
Cùng với đó, dự luật còn sử dụng một số từ ngữ và kỹ thuật soạn thảo có nhiều sai sót như "triệu tập Đại hội đồng cổ đông"; hay "tại Đại hội đồng cổ đông"; "trình Đại hội đồng cổ đông thường niên"… Điều lệ mẫu còn dùng từ "Đại hội", tức là 1 cuộc họp để thay cho "Đại hội đồng cổ đông" là 1 cơ quan của công ty.
Hay Điều 25, 27, 35, 36 viết: "Giám đốc (Tổng giám đốc)" là không chính xác, dễ gây nhầm lẫn. Cần viết theo đúng Luật Doanh nghiệp là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Điều 28.1 và 28.2 nhắc đến chủ nợ và bên có liên quan là ngân hàng, trong khi các điều khác là các tổ chức tín dụng.
Có nhiều vấn đề tương tự và nhiều điểm chưa chuẩn mực trong dự thảo Điều lệ mẫu và Quy chế nội bộ về quản trị công ty của công ty cổ phần cần phải rà soát, chỉnh sửa cho chuẩn, mới mong quy định mới về quản trị công ty khi được ban hành sẽ tạo nên khung pháp lý có giá trị hướng các doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị.
Năm 2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC hướng dẫn việc quản trị công ty với các công ty đại chúng. Sau 4 năm thực thi Thông tư trên, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một văn bản mới, tầm Nghị định về quản trị công ty, để tăng hiệu lực pháp lý, hướng các doanh nghiệp đại chúng tuân thủ quy chuẩn về quản trị minh bạch, tiên tiến. Nằm trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chắp bút xây dựng dự thảo Nghị định quy định này và đã lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và thành viên thị trường từ ngày 5/7/2016 đến ngày 5/9/2016. Hiện dự thảo đang được xem xét ở cấp bộ, trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.