Quan tham Trung Quốc thừa nhận đều đặn giấu tiền tham nhũng “như đi chợ“

Cựu chủ tịch Quỹ quản lý tài sản Huarong, một trong những ngân hàng giải quyết nợ xấu của Trung Quốc, thừa nhận đã nhận hối lộ hàng chục triệu USD và giấu trong một căn hộ riêng ở Bắc Kinh.
Cựu chủ tịch Huarong Lai Xiaomin (Ảnh: AFP). Cựu chủ tịch Huarong Lai Xiaomin (Ảnh: AFP).

Trong một chương trình tài liệu phát trên truyền hình quốc gia ngày 13/1, cựu chủ tịch Huarong Lai Xiaomin cho biết ông thích thanh toán bằng tiền mặt và cứ định kỳ ông chở các chồng tiền mặt đến giấu tại căn hộ riêng ở Bắc Kinh - nơi sau này các nhà điều tra đã phát hiện hơn 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng 29 triệu USD).

“Tôi có tiền là mang tới đó cất giữ, giống như thi thoảng đi siêu thị. Tôi chưa tiêu một xu nào. Cuối cùng thì tất cả số tiền đó bị tịch thu”, ông Lai cho biết.

Ông Lai bị cáo buộc nhận hối lộ, tham nhũng và có liên quan đến một trong những vụ tham nhũng tài chính lớn nhất Trung Quốc.

Ông này bị bắt năm 2018 với cáo buộc nhận hối lộ 1,65 tỷ Nhân dân tệ.

Ông bị phát hiện sở hữu hàng loạt bất động sản, xe hơi, vàng, các bộ sưu tập nghệ thuật, đồng hồ hạng sang. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi ông là cựu quan chức tài chính tham nhũng nhiều nhất.

Lai điều hành Huarong từ năm 2012 cho đến khi bị phát hiện “nhúng chàm” vào năm 2018.

Đây là một trong 4 doanh nghiệp được thành lập năm 1999 nhằm giúp giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Dưới thời của Lai, Huarong lấn sang cả các lĩnh vực như chứng khoán, tín phiếu, đầu tư, thay vì chỉ tập trung cho nhiệm vụ giải quyết nợ xấu.

Lai bị cho là chỉ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn, đầu tư lớn vào các tài sản rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Những lời tự thú như của ông Lai bắt đầu phổ biến hơn ở Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”.

Đến nay đã có hơn 1 triệu quan chức Trung Quốc bị bắt hoặc bị kỷ luật trong chiến dịch này.

Ông Tập Cận Bình hôm qua cho biết sẽ mạnh tay với những cá nhân tham nhũng có liên quan đến nợ xấu của các chính quyền địa phương.

Trung Quốc đang đứng trước làn sóng vỡ nợ trái phiếu địa phương hàng loạt khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí các doanh nghiệp có vốn nhà nước giờ đây cũng chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục