Quản lý vốn tập trung: Không để trên nóng, dưới lạnh

(ĐTCK) Theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ triển khai bàn giao các doanh nghiệp đủ điều kiện bàn giao vốn nhà nước sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ít nhất 5 doanh nghiệp trong quý I/2019.

Ngay từ đầu năm, nhiều động thái đã được thực hiện để triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh  nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước

Trong Chỉ thị số 03/CT-BCT do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành ngày 24/1/2019 xác định rõ các doanh nghiệp phải bàn giao sang SCIC trong quý I/2019 là Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp và Vật liệu xây dựng.

Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thời hạn các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn sang SCIC theo QĐ 1232/QĐ-TTg cũng như các doanh nghiệp chưa thoái vốn giai đoạn 2016 - 2018 phải hoàn tất chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa trước 31/3/2019.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã chỉ đạo và SCIC có Công văn số 107/ĐTKDV-KHTH ngày 21/1/2019 gửi các bộ, địa phương để phối hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 01/CT-Ttg.

Theo tính toán của SCIC, có 252 doanh nghiệp hiện đủ điều kiện chuyển giao về Tổng công ty, trong đó 31 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 (Theo Quyết định 1232, các Bộ/UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ chuyển giao 62 doanh nghiệp về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước).

Tính riêng 31 doanh nghiệp trên, số vốn nhà nước cần bào giao là gần 7.000 tỷ đồng ở 10 bộ, địa phương gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngã.

Lâu nay nhiều lý do được viện dẫn để giải thích cho sự chậm chễ chuyển giao, trong đó nhiều nhất là việc sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp chưa quyết toán vốn cổ phần hóa. Đến nay, những khó khăn về cơ chế khi thực hiện chuyển giao đã được tháo gỡ theo quy định tại Điều 7, Thông tư 83/2018/TT-BTC về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp chưa quyết toán vốn lần 2 vẫn có thể thực hiện bàn giao về SCIC.

Nếu kể cả các doanh nghiệp thuộc diện các bộ ngành bán vốn trong năm 2017-2018 nhưng chưa thực hiện cần chuyển giao về SCIC theo Chỉ thị 01/CT-TTg, khối lượng công việc là rất lớn, đòi hỏi tinh thần quyết liệt mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Đơn cử như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có vốn điều lệ 11.755 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 88,47%; Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) vốn điều lệ gần 500 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 82,75%; Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE) có vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng,  vốn nhà nước chiếm 99,54%...

Tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 13/2 mới đây, SCIC kiến nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định 1232 chuyển giao về SCIC để thoái vốn đối với những doanh nghiệp Bộ/UBND cấp tỉnh thoái vốn chậm giai đoạn 2017-2018 theo đúng Chỉ thị 01 hoặc Bộ/UBND cấp tỉnh đề xuất chuyển giao về SCIC.

Đề cập về tính pháp lý của kiến nghị, đại diện SCIC cho biết, Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Nghị quyết của Quốc hội: quy định số tiền thu được từ thoái vốn nhà nước đều phải nộp về Quỹ HTSX và PTDN để chuyển vào ngân sách nhà nước, sử dụng thống nhất trong kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Trước mắt là đảm bảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.

Các Nghị định 147, Nghị định 151, Nghị định 126, Nghị định 131, Chỉ thị 01, Thông báo số 39, Thông tư 83 đều quy định về đối tượng chuyển giao từ Bộ/UBND cấp tỉnh về SCIC.

Đồng thời, theo Nghị định 151, SCIC có cơ chế đặc thù cho hoạt động thoái vốn khác với các Bộ/UBND cấp tỉnh như hạ giá khởi điểm, bán dưới mệnh giá… nên việc thoái vốn được thực hiện minh bạch, chuyên nghiệp, linh hoạt và thường đem lại hiệu quả cao với mạng lưới nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. Cụ thể, cho đến nay, theo thống kê, hiệu quả bán vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá vốn, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần/giá vốn). 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã nhấn mạnh “Tinh thần hành động của Chính phủ năm 2019 yêu cầu bứt phá thì lĩnh vực này cũng phải vậy trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tối đa hoá lợi ích Nhà nước; quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện; đồng thời xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền trong việc để xảy ra tình trạng chậm cổ phần hoá, thoái vốn”,

Quyết tâm đã được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, vướng mắc đã được tháo gỡ bằng các quy định pháp lý cụ thể. Bởi vậy, lừng khừng trong chuyển giao vốn nhà nước, nếu không được chấm dứt, hoàn toàn là do khâu thực hiện không nghiêm, tái diễn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như ở nhiều lĩnh vực khiến dư luận bức xúc lâu nay.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục