Quản lý vốn nhà nước, kỳ vọng một thiết chế đủ mạnh

(ĐTCK) Đề án thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới quan sát cũng như các cơ quan, bộ, ngành và doanh nghiệp có liên quan.
Theo đề án, Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ thuần túy thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước, quản trị doanh nghiệp Theo đề án, Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ thuần túy thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước, quản trị doanh nghiệp

Đề xuất thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đề án đã được Bộ hoàn thiện theo chỉ thị của Chính phủ và trình trong tháng 2/2017 trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đơn vị liên quan để làm rõ ưu, nhược điểm của 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách và báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Đề án nghiêng về việc lựa chọn phương án thành lập mới Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoặc cổ phần chi phối và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Theo đó, cơ quan này sẽ được quản lý, chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp.

Việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước nhằm tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ủy ban nhân dân đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt hơn công tác xây dựng chính sách, đồng thời nhằm thực hiện quy định về chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định tại Luật Quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Nhân sự của Ủy ban sẽ là các cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của một số bộ, ngành, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ nhận chuyển giao khoảng 30 đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Trung ương, các đơn vị khác sẽ thực hiện theo chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, riêng các doanh nghiệp quốc phòng và an ninh sẽ giữ nguyên. Đối với Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM và các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lộ trình chuyển giao về cơ quan chuyên trách theo phương án này phải có ý kiến của Bộ Chính trị và Chính phủ. 

Tách bạch hai mục tiêu

Với phương án trên, việc tách bạch giữa mục tiêu quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng. Theo đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ thuần túy thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước, quản trị doanh nghiệp để đảm bảo quản lý hiệu quả các doanh nghiệp tiếp nhận và phát triển đồng vốn của các doanh nghiệp một cách tốt nhất, thay vì kiêm nhiệm hoặc làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Nhờ đó, doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác và không chịu sự chi phối của các bộ quản lý chuyên ngành trong quản trị cũng như can thiệp về vốn chủ sở hữu nhà nước. Bộ chuyên ngành chỉ chuyên tâm làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, chứ không lẫn hai “vai” như hiện nay.

Để đảm bảo hiệu quả quản trị doanh nghiệp và gắn kết trực tiếp vai trò, trách nhiệm của bộ máy nhân sự quản lý thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sử dụng hình thức đánh giá hiệu quả công việc bằng bộ chỉ số KPI.

“Với cách thức đánh giá định lượng rõ ràng, nhân sự cấp lãnh đạo sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm về hiệu quả của doanh nghiệp và được đo lường trực tiếp bằng bộ công cụ này. Nếu chỉ số KPI thấp dần qua các năm thể hiện hiệu quả thấp của doanh nghiệp, lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Qua năm thứ nhất, năm thứ hai không có sự cải thiện thì năm thứ ba dứt khoát phải thay thế lãnh đạo”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Một ưu điểm khác của mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước là việc hình thành nguồn nhân sự trên cơ sở điều chuyển các cán bộ có năng lực, đủ tư cách và phẩm chất từ các cơ quan đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của một số cơ quan, bộ, ngành sẽ góp phần giúp Ủy ban đảm nhiệm được việc tham mưu cho Chính phủ về chiến lược, kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước bên cạnh nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước.

Điều này sẽ giúp tạo vị thế pháp lý cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước tương xứng với vai trò và chức năng vốn rất “khủng” là quản lý hàng triệu tỷ đồng của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lớn, đồng thời giúp cơ quan này đủ tầm vóc để thực hiện các nhiệm vụ như đầu tư vốn, đầu tư vào những ngành kinh tế định hướng, dẫn dắt nền kinh tế, các lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm hoặc không đủ tiềm lực để đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là chức năng quan trọng khác của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giúp phát huy vai trò nền tảng dẫn dắt của Nhà nước và kinh tế nhà nước, bổ khuyết cơ chế thị trường, từ đó khắc phục những điểm yếu của mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và thực hiện những mục tiêu mà SCIC gần như chưa làm được, hoặc làm chưa tốt như kỳ vọng khi thành lập. 

Hướng tới mô hình hoàn thiện

Đồng tình với mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước cần trực thuộc Chính phủ, nhiều ý kiến của các bộ, ngành và chuyên gia cho rằng, cần định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách.

“Bộ máy sẽ hoạt động như thế nào để tránh cồng kềnh, vốn nhà nước được sử dụng hiệu quả? Ngoài ra, khi cơ quan này ra đời, tất cả bộ, ngành cần có giám sát theo chuyên ngành của mình”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khuyến nghị.

Đối với vấn đề nhân sự, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho rằng, cán bộ chuyển dịch từ các cơ quan và bộ hiện hành có thể huy động, không cần đào tạo. Tuy nhiên, phải có cơ chế chọn lựa những người có năng lực, đồng thời quyền lợi và động lực phải khác công chức nhà nước thì mới có thể khuyến khích và phát huy tinh thần cống hiến, đóng góp và trách nhiệm của đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp cao của Ủy ban.

Bày tỏ sự đồng tình với phương án thành lập mới Ủy ban quản lý vốn nhà nước, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, việc thành lập Uỷ ban là cần thiết để đảm bảo tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp. Theo ông Doanh, điều này sẽ khắc phục những điểm yếu của SCIC từ trước tới nay, giúp doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn khi có sự giám sát của ủy ban độc lập.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sẽ có nhiều điểm được và mất trong mô hình mới.

"Theo đó, về mối quan hệ trực tiếp, thân thuộc giữa doanh nghiệp với bộ máy nhà nước có thẩm quyền phân bổ nguồn lực quốc gia, sự hỗ trợ có thể có khi doanh nghiệp gặp khó khăn chắc chắn sẽ giảm và dần mất đi. Đổi lại, sẽ tăng được hiệu quả, hiệu lực quản lý, giám sát vốn nhà nước, đặc biệt cải thiện được quản trị vốn là điểm rất yếu của khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay”, ông Cung nói.

Mặc dù đề án lần này được hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ và trên nguyên tắc, Chính phủ sẽ trực tiếp quyết định phương án và mô hình nhân sự bộ máy của cơ quan chuyên trách, song là cơ quan chủ trì xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Bộ sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và tiếp tục trao đổi, trả lời tất cả các ý kiến trái chiều trên tinh thần cầu thị để xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu, nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hiểu Long

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục