Lỗ chồng lỗ do giám sát tập thể
Tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra những con số rất đáng buồn. Đó là, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, có tới 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng. Tính chung giai đoạn 2011 - 2016, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không hề giảm. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực này giảm đáng kể, cụ thể, ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) giảm 39%, ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) giảm 30%.
Các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được. Giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở dưới giá trị đầu tư, mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực xử lý dự án đầu tư kém hiệu quả…
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, CIEM dẫn lại đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội 2018 trong báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2016 để nói về lý do thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước.
Cũng theo ông Trung, mặc dù đã có nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát, nhưng các quy định này lại thiếu thống nhất về nội hàm, khái niệm và phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu, dẫn tới việc chồng lấn giữa giám sát chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước.
“Điều này dẫn tới những lúng túng trong tổ chức thực hiện, hệ quả là không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp đầy đủ, hiệu quả và toàn diện”, ông Trung nhận xét và nêu ví dụ điển hình cho câu chuyện này là mô hình giám sát của đại diện chủ sở hữu tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo Nghị định 07/2018/NĐ-CP về Điều lệ của PVN.
Theo mô hình này, có tới 5 bộ cùng tham gia giám sát PVN, trong đó Bộ Công thương chủ trì, phối hợp thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra, các bộ còn lại phối hợp giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, mục tiêu, tuyển dụng, tiền lương thưởng, hiệu quả kinh doanh và công tác cán bộ.
“Ông lớn này rơi vào bết bát như hiện nay cho thấy sự thiếu hiệu quả của cơ chế giám sát hiện hành khi vừa chồng lấn vừa bất cập trong giám sát. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến việc giám sát không hiệu quả còn do thiếu thông tin đầy đủ về vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong nền kinh tế. Vì vậy, để giám sát tốt, cơ quan chức năng phải xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng chủ sở hữu”, đại diện CIEM khuyến nghị.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “doanh nghiệp nhà nước chịu trên đầu nhiều tròng giám sát, nhưng chưa cơ quan giám sát nào có cái nhìn toàn diện, thực tế. Cuối cùng, chúng ta có báo cáo mờ nhạt theo kiểu “thầy bói xem voi”.
Theo chuyên gia này, khi có quá nhiều chủ sở hữu thì sẽ dẫn tới một thực tế là không ai thực sự giám sát và chịu trách nhiệm cuối cùng. Chưa kể với cách thức làm việc theo tư duy hệ thống tập thể luôn có cơ chế để đổ lỗi cho hàng loạt lý do khách quan, mà 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương chính là ví dụ điển hình.
Ngoài ra, theo bà Lan, vấn đề nắm bắt thông tin và quản trị rủi ro cũng được xem như là những khâu yếu kém nhất trong cơ chế giám sát doanh nghiệp nhà nước. Việc công bố, minh bạch thông tin chưa được thực hiện rốt ráo. Trong khi công tác quản trị rủi ro ở doanh nghiệp tư nhân là yêu cầu số 1 trong hệ thống quản trị thì ở doanh nghiệp nhà nước dường không được xem trọng.
“Doanh nghiệp nhà nước lời ăn, lỗ Nhà nước chịu, cơ quan giám sát cũng không phải chịu. Chưa kể, quy trình, quy định không thiếu kẽ hở, nhiều khi còn cố tình tạo sẵn khoảng trống để đổ trách nhiệm khi có vấn đề, dẫn tới tình trạng cha chung không ai khóc, không ai quan tâm đến trách nhiệm vì không ai phải chịu trách nhiệm cuối cùng”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo khuyến nghị của chuyên gia này, để giám sát doanh nghiệp nhà nước hiệu quả, cần phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động và số lượng, bởi nếu số lượng doanh nghiệp quá nhiều như hiện nay sẽ không có cơ quan nào có đủ năng lực giám sát đầy đủ, kể cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động.
Siêu ủy ban: Cần gắn trách nhiệm cá nhân với hiệu quả quản lý
Từ những bất cập của mô hình giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay, một vấn đề bức thiết đặt ra khi thành lập và đưa vào vận hành Uỷ ban quản lý vốn nhà nước là phải đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động này.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, để cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoạt động hiệu quả, con người cần được coi là yếu tố quyết định. “Công chức làm theo quy định, quy trình sẽ không bao giờ có sáng tạo đổi mới. Muốn có thay đổi bước ngoặt trong quản lý và giám sát vốn nhà nước, không chỉ dừng lại ở việc thành lập siêu ủy ban, mà sau đó hệ thống chỉ tiêu đánh giá này cần phải thay đổi”, ông Cung nói.
Theo ông Cung, với quy mô quản lý gần 30 tập đoàn và tổng công ty lớn của nhà nước với lượng vốn và tài sản có tổng giá trị 5,4 triệu tỷ đồng, siêu ủy ban cần có một cách làm hoàn toàn khác, theo cách ứng xử tôn trọng nguyên tắc thị trường, chứ không phải quy trình hành chính cứng nhắc hiện hành. Phải quan niệm cơ quan này chính là một nhà đầu tư, nên phải áp dụng quy tắc khác trong bổ nhiệm, giao nhiệm vụ.
Cơ quan này không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chỉ thực hiện chức năng kinh doanh vốn, do đó không thể áp dụng các quy tắc quản lý công chức, viên chức. Tuyển chọn và sa thải cũng vậy, không hoàn thành nhiệm vụ là sa thải luôn, chứ không phải chờ vi phạm rồi họp mấy lần hội đồng quản trị rồi mới ra được quyết định sa thải. Thậm chí, đối với lãnh đạo trong Ủy ban, không hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh là sa thải, hoặc có nguy cơ không hoàn thành đã phải sa thải.
Nhấn mạnh hiệu quả việc giám sát cần gắn với trách nhiệm cá nhân, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần phải rành mạch về sở hữu và đảm bảo cơ chế giám sát gắn trách nhiệm cụ thể.
“Chừng nào tài sản nhà nước chưa gắn với trách nhiệm cá nhân thì việc giám sát chưa hiệu quả. Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể như hiện nay đang che mờ trách nhiệm cá nhân. Mấu chốt vấn đề của giám sát là phải quy trách nhiệm cá nhân cụ thể và thiết kế chính sách để cá nhân chịu trách nhiệm rõ ràng, mang tính chất quyết định đối với tài sản nhà nước được giao vận hành”, ông Thiên khuyến nghị.
Ông Raymond Mallon, Chuyên gia tư vấn chính sách của Chương trình Aus4Refrom
Để Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước hoạt động hiệu quả, phải có bộ máy nhân sự tốt. Họ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, xây dựng báo cáo chuyên nghiệp và nêu rõ trách nhiệm giám sát trong doanh nghiệp. Nhân sự của ủy ban này phải được lựa chọn kỹ càng, là người có kỹ năng và ý thức trau dồi kỹ năng trong quá trình làm việc.
Ông Trương Văn Hiền, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Nghệ An
Còn rất nhiều bất cập trong quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp. Tại doanh nghiệp nhà nước tôi đang góp vốn, trong 2 năm 2015-2016, chi phí quản lý lớn hơn cả chi phí sản xuất.
Bộ máy quản lý quá cồng kềnh, nhiều chi phí không cần thiết như quảng cáo sản phẩm khiến lãi của nhà máy giảm dần. Trong khi đó, nhiều vị trí trong Hội đồng thành viên, đại diện vốn nhà nước không thực quyền, làm việc không hiệu quả, nhưng chi phí lương của họ rất lớn.
Để các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh, hoặc là phải cổ phần hoá, thoái vốn còn dưới 35%, để nhà đầu tư thực sự làm, từ đó mới phát huy hiệu quả của doanh nghiệp.