Quản lý tiền điện tử: Chờ luật...

(ĐTCK) Trên thế giới, các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum hay mới đây là Libra... đang được giao dịch ở nhiều nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có khung pháp lý về các loại "tiền ảo" này, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi giao dịch, cũng như cơ quan quản lý trong quản lý thuế, phòng chống rửa tiền...
Quản lý tiền điện tử: Chờ luật...

Loay hoay phạt thuế giao dịch "tiền ảo"

Giữa năm 2017, vụ việc một cá nhân ở tỉnh Bến Tre khởi kiện cơ quan thuế về việc truy thu thuế đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng Internet thu hút sự chú ý của thị trường.

Cụ thể, ông Nguyễn Việt C. là nhà đầu tư tiền ảo trong thời gian từ 2008-2013. Tháng 9/2013, Công an tỉnh Bến Tre nhiều lần mời ông C. đến làm việc do liên quan đến giao dịch tiền ảo.

Năm 2015, cơ quan công an có công văn đề nghị Cục Thuế tỉnh Bến Tre xử lý vi phạm trường hợp của nhà đầu tư này. Đến năm 2016, Cục Thuế tỉnh Bến Tre ra quyết định truy thu số tiền 2,6 tỷ đồng gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Ông C. không đồng ý vì số tiền thuế phải nộp cao hơn lợi nhuận thu được.

Ông C. cho biết, đã đi đăng ký kinh doanh ngành nghề này, nhưng thời điểm đó không đăng ký được vì "tiền ảo" không được coi là hàng hóa (theo Nghị định 52/2003/NĐ-CP). Do không đồng tình với mức phạt, ông C. khởi kiện ra tòa án đề nghị hủy quyết định trên.

Cục Thuế tỉnh Bến Tre căn cứ vào kết luận của công an xác định, ông C. mua bán "tiền ảo" không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế với doanh số 138,6 tỷ đồng (từ năm 2008-2012), không khai báo, nộp thuế năm 2013 doanh số 1,6 tỷ đồng. Tổng doanh số không kê khai nộp thuế là 140,2 tỷ đồng. Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 1/4/2016 của Bộ Tài chính cũng nêu “hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế…”.

Năm 2017, tòa án xác định, Bộ luật Dân sự 2005 không quy định về tiền điện tử, tài sản ảo..., đồng thời chưa có văn bản điều chỉnh về việc giao dịch "tiền ảo" trên mạng.

Việc Cục Thuế tỉnh Bến Tre căn cứ vào Công văn 4356 để ra quyết định xử phạt là vượt quá các quy định của Bộ luật, mặc nhiên công nhận tiền kỹ thuật số - "tiền ảo" là hàng hóa là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Do đó, tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của ông C., tuyên hủy quyết định xử phạt trên.

Quản lý tiền điện tử: Chờ luật...

Trường hợp của ông C. chỉ là một câu chuyện đơn lẻ, song phần nào cho thấy thực trạng của pháp luật trước các loại hình đầu tư mới trong thời đại cách mạng 4.0 như tiền điện tử.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phùng Trang, Giám đốc Dự án Công ty Bitcoin Việt Nam đặt ra một loạt câu hỏi như việc quản lý tiền điện tử, bitcoin như nào? Nên nhìn nhận đó là tài sản hay tiền tệ? Nếu đưa vào tài sản, quản lý ra sao? Còn nếu là tiền mã hóa làm sao quản lý được, làm sao để đánh thuế?

Đồng quan điểm, ông Lê Huy Hòa, chuyên gia chính sách công nghệ thông tin cho rằng, định nghĩa tại Điều 105 - Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản đến nay không còn phù hợp, bởi khi giao dịch trên mạng nảy sinh nhiều vấn đề như người mua bán tài sản số có trách nhiệm đến đâu nếu liên quan đến việc rửa tiền? Nếu nộp thuế có được Nhà nước bảo hộ hay không? Làm thế nào để trở thành nhà đầu tư “thiên thần”, để thoái vốn hợp pháp, hạn chế rủi ro, phòng chống rửa tiền, quản lý thu thuế, chống gian lận, lừa đảo...?

Ông Lê Minh Khiêm, Phó trưởng phòng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đánh giá, vụ việc ở Bến Tre cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước đang vướng ở cả hệ thống pháp luật và cách thức thực thi. Ngành thuế thu thuế theo các loại hình ngành nghề kinh doanh, nhưng “tiền ảo” chưa được xếp vào đâu, nên cơ quan thuế khó xử lý.

Theo ông Khiêm, không chỉ câu chuyện về tiền điện tử, việc thu thuế, quản lý thuế cũng phụ thuộc vào luật chuyên ngành, chẳng hạn với Uber hay Grab, hiện chưa có quy định rõ đó là loại hình kinh doanh vận tải hay công nghiệp…, nên cần xác định phải đồng bộ pháp luật chuyên ngành.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó tổng giám đốc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam, có 2 hướng giải quyết đối với những loại hình kinh doanh mới, một là quy về thứ sẵn có, hai là cập nhật và đưa ra định nghĩa mới và vị này cho rằng, cần hướng theo cách thứ 2.

"Bên cạnh đó, cần có sự tương tác giữa cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp. Theo đó, nhà quản lý nên vừa áp dụng cơ chế thử nghiệm pháp lý, vừa phải đảm bảo tính tường minh, công bằng không chỉ với doanh nghiệp lớn, mà bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Nguyên đề xuất.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục