Cụ thể, tại Thái Lan, tỷ lệ này đã là 27,93% năm 2017, Malaysia là 31,57% (năm 2017), Trung Quốc là 10,7% (năm 2020), Ấn Độ là 15,4 % (năm 2021)…
"Nhà đầu tư ít kinh nghiệm thì nên gặp công ty quản lý quỹ"
Với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục gia tăng, theo đó nhu cầu đầu tư tích lũy tài sản là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên tại Việt Nam, thói quen phân bổ một phần/toàn phần để ủy thác đầu tư vào các nhà đầu tư chuyên nghiệp còn rất khiêm tốn.
Tính đến cuối năm 2022, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tương ứng khoảng 7% dân số, chiếm đến trên 80% giá trị giao dịch trên thị trường. Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới chỉ đạt chiếm dưới 1% dân số (số liệu tính đến 30/09/2022).
So sánh 2 con số trên có thể thấy, đa phần nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đều đang lựa chọn tự đầu tư thay vì đầu tư thông qua các quỹ. Tuy nhiên, để có thể tự đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như dành thời gian để theo dõi và tham gia giao dịch trên thị trường.
Tại ĐHCĐ của CTCK SSI mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cũng chia sẻ cùng cổ đông khi được hỏi về “bí quyết của giới tinh anh trong đầu tư chứng khoán”.
Ông Hưng cho rằng, không ai có thể chỉ cho mọi người rằng làm thế nào để chắc chắn kiếm được tiền mà không có rủi ro. Còn kinh nghiệm bản thân là nếu chọn cổ phiếu theo suốt một thời gian, đừng bị lay động thì sẽ kiểm soát được câu chuyện được hay mất.
“Nếu nhà đầu tư ít kinh nghiệm hơn thì theo tôi nên gặp công ty quản lý quỹ để tham gia sản phẩm tài chính chuyên nghiệp hơn, thụ động hơn và được nghe người ta giải thích về bản chất của thị trường, mức kỳ vọng, mức có thể kiếm lợi”, theo ông Hưng.
Trên thực tế, các nhà quản lý quỹ luôn đưa ra quyết định mua/bán dựa trên số liệu đánh giá thiết thực cũng như quy định về chốt lãi/cắt lỗ của quỹ, qua đó không chịu sự ảnh hưởng từ tâm lý đám đông – chia sẻ này không mới, nhưng lại chưa thẩm thấu được tới công chúng đầu tư. Lý do thường thấy là nhà đầu tư luôn thích tự trải nghiệm, nhưng nền tảng kiến thức tài chính, đầu tư, kinh doanh, tâm lý lại chưa vững vàng nên dễ bị cuốn theo “tâm lý đám đông”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp đang có những con số tích cực. Chẳng hạn, tổng AUM của SSIAM tăng trưởng 5% so với năm ngoái, số lượng tài khoản mở mới tăng từ 10.000 năm 2022 lên 33.000 trong quý I/2023. Quý I tăng AUM thêm 10%, lên khoảng 670 triệu USD, trong đó 95% đến từ các nhà đầu tư ngoại. Tương tự, một số quỹ khác có kết quả tốt hơn so với lợi nhuận tham chiếu, như các quỹ của VCBF, một số quỹ của DCVFM, VinaCapital…
Quỹ hưu trí sẽ là một kênh tích lũy tài sản hiệu quả
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSIAM chia sẻ, công ty mới ra mắt quỹ hưu trí tự nguyện quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay – đây là sản phẩm mới, sản phẩm đầu tư thụ động cho các nhà đầu tư tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, SSIAM nói riêng và ngành quản lý quỹ nói chung đều cho rằng, hiện các sản phẩm quỹ vẫn chưa tới được đông đảo các nhà đầu tư đại chúng, có thể do nhiều lý do, như mức độ active (năng động) của các quỹ chưa lớn, cũng có thể do các nhà đầu tư Việt Nam chưa quen với việc ủy thác tiền cho đơn vị chuyên nghiệp.
Ghi nhận ở các thị trường phát triển, quỹ hưu trí tự nguyện thường được phổ cập rộng rãi và là một trong các trụ cột của các chương trình hưu trí quốc gia (thường bao gồm: quỹ hưu trí do chính phủ quản lý, bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện). Tại các quốc gia trong nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), tài sản các quỹ hưu trí chiếm khoảng 105% GDP, tuy nhiên con số này ở Việt Nam còn thấp.
Quỹ hưu trí được coi là một kênh tích lũy tài sản hiệu quả, góp phần mang lại an toàn tài chính cho người lao động khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu. Đây cũng là sản phẩm góp phần đảm bảo an sinh xã hội và được Chính phủ các quốc gia tạo điều kiện phát triển, với nhiều ưu đãi về thuế.
Xét theo quy mô tài sản quản lý năm 2022, đứng đầu danh sách là Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) với tổng tài sản 1.325 tỷ USD. Tiếp sau đó là Quỹ Tiết kiệm Hưu trí Liên bang Mỹ, Quỹ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc với tổng tài sản lần lượt là 690 tỷ USD và 608 tỷ USD.
Có thể thấy, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, người dân đã có những chuẩn bị để đảm bảo ổn định tài chính khi đến tuổi nghỉ hưu.
Top 10 Quỹ hưu trí lớn nhất Thế giới năm 2022 (Theo tổng tài sản quản lý). Nguồn: Statista, 2023 |
Tại Việt Nam cũng đang chứng kiến tốc độ tăng dân số giảm sút trong các năm qua, chính vì vậy quỹ hưu trí tự nguyện sẽ là xu thế tất yếu của phát triển. Đây là một sản phẩm rất mới, dù Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đã được ban hành từ năm 2016, nhưng mới chỉ trong thời gian gần đây, các quỹ hưu trí mới bắt đầu được thành lập và đi vào hoạt động. Kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm hiểu nâng cao cơ chế đãi ngộ cho người lao động.
Ông Vũ Quang Đông – Tổng giám đốc của VCBF chia sẻ, điểm đặc biệt đáng khích lệ là rất nhiều người đang tận dụng mức định giá hấp dẫn của thị trường để gia tăng đầu tư. Những chính sách miễn phí mua và các ứng dụng giao dịch trực tuyến đã phát huy tác dụng bởi tất cả các quỹ do VCBF quản lý đang đón nhận thêm ngày càng nhiều nhà đầu tư mới. VCBF tin rằng, các khoản đầu tư trong giai đoạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận vượt trội khi điều kiện kinh tế và thị trường được cải thiện.
Điểm tích cực là, tương tự như tình hình chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn sở hữu nguồn lực, sức khỏe tài chính tốt và tiếp tục tăng trưởng. Định giá cổ phiếu niêm yết hiện nay đã ở mức tương đối hấp dẫn.