“Quản lý mềm” để thúc đẩy OTT viễn thông phát triển lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT viễn thông là ba dịch vụ mới được quy định tại Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, song mức độ quản lý như thế nào vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến.
Phiên thảo luận sáng 24/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phiên thảo luận sáng 24/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT viễn thông ngày càng quan trọng nhưng lại chưa được đề cập ở đâu cả, tinh thần tại Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi (Dự thảo) là quản lý mềm để thúc đẩy phát triển nhưng vẫn đảm bảo sự lành mạnh.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu khi báo cáo giải trình cuối phiên thảo luận sáng 24/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Viễn thông sửa đổi.

Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT viễn thông là ba dịch vụ mới được quy định tại Dự thảo, song mức độ quản lý như thế nào vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến.

Dự thảo mới nhất đã đã chỉnh lý, giải thích rõ hơn thuật ngữ của 3 dịch vụ này, đồng thời chỉnh lý, bố cục riêng một mục quy định các nội dung về quản lý đối với 3 dịch vụ nêu trên cho rõ ràng, tường minh để các đối tượng chịu sự tác động của Luật thuận lợi trong quá trình thực thi.

Tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu là cần phải có phương thức quản lý phù hợp đối với các dịch vụ mới, Dự thảo cũng đã được chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 loại dịch vụ nêu trên.

Cụ thể là không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam để thể hiện rõ chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu của khu vực.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cách tiếp cận của Dự thảo hiện tại rất phù hợp.

Đó là, "quản lý nhẹ" theo tinh thần trước mắt chưa tăng quá nặng trách nhiệm và để thúc đẩy phát triển các dịch vụ mới tại Việt Nam trên cơ sở tăng cường lợi ích của người tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư và phần nào bảo đảm khả năng quản lý.

Hiện tại chưa hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trung tâm dịch vụ dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam. Điều này cũng thể hiện chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài của Việt Nam và cũng mong muốn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu của khu vực và thế giới, ông Tuấn nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ông còn băn khoăn khi 3 dịch vụ này không gắn với hạ tầng và chi phí của nó cũng sẽ rất cạnh tranh với các dịch vụ viễn thông truyền thống. Nhưng trong Dự thảo thì quy định những dịch vụ không phải đóng góp vào Quỹ viễn thông công ích. như thế là ưu đãi hơn,

“Trong xu hướng Chính phủ điện tử, công nghiệp 4.0 thì mở rộng là đúng, nhưng bảo đảm tính cạnh tranh thì phải có báo cáo thuyết phục’, ông Thanh đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bổ sung khái niệm dịch vụ OTT viễn thông vào Dự thảo.

Tiếp thu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ định nghĩa đầy đủ và tường minh hơn vể 3 dịch vụ mới. Đưa vào quản lý 3 dịch vụ này là để chính thức hóa, vì các dịch vụ này ngày càng quan trọng nhưng lại chưa được đề cập ở đâu cả, nhưng trên tinh thần “quản lý mềm” để thúc đẩy phát triển nhưng vẫn đảm bảo sự lành mạnh, ông Hùng nói.

Lý giải về chọn “quản lý mềm”, ông Hùng nêu rõ, vì các dịch vụ này đã có sự cạnh tranh rất mạnh, OTT từ cấp phép giảm xuống thông báo, còn trung tâm dữ liệu thì từ cấp phép giảm xuống đăng ký, dịch vụ điện toán đám mây thì từ cấp phép cũng giảm xuống thông báo và đầu tư nước ngoài tới 100%.

Về quy định miễn phí đóng góp của các dịch vụ này vào Quỹ viễn thông công ích, theo Bộ trưởng là vì các dịch vụ này đã trả tiền cho nhà mạng để sử dụng hạ tầng mạng, mà nhà mạng đóng góp vào Quỹ viễn thông công ích là theo doanh thu, cho nên bản chất là các dịch vụ này đã đóng góp một cách gián tiếp vào Quỹ viễn thông công ích.

Giải trình thêm sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (diễn ra đầu tuần sau) cũng như tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Ủy ban sẽ làm rõ thêm "nhẹ, mềm" là như thế nào.

Theo nghị trình, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu tới đây.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục