Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị
Dự án, nghiên cứu kỹ phương án triển khai nhằm tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình, đánh giá kỹ yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đối với công trình sau khi được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng.
Sớm hoàn thiện hồ sơ Dự án để khởi công xây dựng công trình; trên cơ sở hướng tuyến Dự án được phê duyệt, khẩn trương triển khai cắm mốc giải phóng mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ để tiến hành công tác trích đo địa chính và thu hồi đất; cắm mốc giới hạn đất hành lang an toàn đường bộ, mốc chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch nhằm bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.
Cùng với đó, để tránh việc lợi dụng thông tin có Dự án đầu tư nhằm lấn chiếm đất đai, trục lợi, hưởng lợi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như làm tăng chi phí đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu lãnh đạo các địa phương nơi có Dự án đi qua chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Sở Giao thông vận tải để xác định các mốc giải phóng mặt bằng, mốc giới hạn hành lang an toàn đường bộ và mốc chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch.
Có biện pháp bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng, quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, cơi nới, xây dựng, trồng cây, tạm dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ đã được xác định. Trường hợp để xảy ra tình trạng vi phạm, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có Dự án đi qua chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát, thống kê kiểm đếm hiện trạng tài sản bị ảnh hưởng, lập phương án và tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư, phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch.
Giao các Sở, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, rà soát các dự án đầu tư dọc hai bên tuyến, xây dựng đơn giá bồi thường; xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, các thủ tục thu hồi đất, giao đất để thực hiện Dự án.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch các phân khu chức năng dọc hai bên tuyến đường bộ ven biển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh để tạo sự đột phá; có định hướng quản lý quy hoạch đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.
Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, sẽ được triển khai từ năm 2021 - 2026 tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.
Dự án nhằm xây dựng hệ thống giao thông ven biển để tạo sự liên kết thông suốt của các vùng trong tỉnh và liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ; khai thác sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút đầu tư; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời góp phần giải quyết ách tắc giao thông.