Quản lý hoạt động cho vay margin thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi góp phần giúp thanh khoản và điểm số chứng khoán tăng cao trong giai đoạn quý II/2020 - quý I/20222, hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đã bộc lộ mặt trái khi thị trường điều chỉnh giảm trong quý II/2022.
Dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán ước tính giảm 50.000 tỷ đồng trong quý II/2022, còn khoảng 150.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán ước tính giảm 50.000 tỷ đồng trong quý II/2022, còn khoảng 150.000 tỷ đồng.

Việc tìm hiểu kinh nghiệm các nước trong quản lý margin sẽ giúp tận dụng các điểm tích cực và hạn chế tác dụng ngược.

Margin - con dao hai lưỡi

Cho vay margin mang lại lợi ích cho cả 3 chủ thể trên thị trường. Đối với các nhà đầu tư, giao dịch ký quỹ gia tăng lợi nhuận. Nếu margin tỷ lệ phổ biến là 50% thì mức lãi ròng thu được có thể gấp gần 2 lần so với không vay ký quỹ.

Về phía công ty chứng khoán, cho vay ký quỹ có lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng, doanh thu ổn định, bởi trong xu hướng thị trường tăng hay giảm thì các nhà đầu tư đều sử dụng margin.

Thị trường chứng khoán nói chung được hưởng lợi khi có sự gia tăng của thanh khoản, vốn hoá và khả năng thu hút nhà đầu tư mới, nhờ tác động tích cực của margin.

Nhưng margin cũng mang lại không ít rủi ro. Trường hợp giá giảm, nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ lớn, nếu tỷ lệ vay là 50% thì mức lỗ sẽ gấp 2 lần so với việc không vay. Công ty chứng khoán có thể gặp rủi ro tín dụng khi không thu được nợ hoặc khách hàng không thực hiện nghĩa vụ nợ theo hợp đồng; rủi ro thanh toán khi công ty bị thiếu hụt số dư tiền hay chứng khoán trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch trong ngày.

Còn thị trường chứng khoán bị tác động mạnh từ hoạt động giải chấp trên quy mô lớn của các công ty chứng khoán (bán chứng khoán của nhà đầu tư nếu họ không kịp thời bổ sung tài sản để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định).

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán trong giai đoạn quý II/2020 - quý I/2022 dần gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường hồi phục sau khi sụt giảm do dịch Covid-19 đầu năm 2020, góp phần đưa thị trường chứng khoán trở thành 1 trong 7 thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới năm 2021. Tính đến cuối quý I/2022, tổng giá trị cho vay margin của thị trường đạt hơn 200.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với quý I/2020.

Việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính được xem là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự biến động mạnh của thị trường trong quý II/2022. Động thái bán giải chấp của các công ty chứng khoán khiến thị trường mất trụ đỡ và có những phiên lao dốc. Chẳng hạn, ngày 25/4/2022, VN-Index mất gần 6% số điểm, mức giảm sâu thứ hai trong lịch sử của chỉ số. Ngày 13/5/2022, chỉ số giảm 4,53%, ngày 13/6/2022 giảm 4,44%.

Tại thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), ngay trước khi phiên giao dịch sáng 12/5/2021 kết thúc, chỉ số Taiex bất ngờ sụt gần 9%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử 54 năm của thị trường này, dẫn tới sự hoảng loạn và suy giảm niềm tin của không ít nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân được cho là dư nợ cho vay ký quỹ ở mức cao nên hoạt động giải chấp dẫn tới tâm lý bán tháo. Trước đó 2 tuần, dư nợ cho vay ký quỹ đạt khoảng 274 tỷ Đài tệ (tương đương 9,8 tỷ USD), mức cao nhất từ năm 2011 và tăng 46% so với đầu năm 2022.

Thực tế, tại Đài Loan, yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch dưới góc độ quy định của pháp luật là không bắt buộc, các công ty chứng khoán có quyền tự thiết lập quy trình quản lý rủi ro và đánh giá năng lực tài chính đối với khách hàng.

Kinh nghiệm quản lý cho vay margin của một số nước trên thế giới

Ngoại trừ Đài Loan, hầu hết các thị trường chứng khoán đều có quy định cụ thể về tỷ lệ cho vay, hạn mức vay hoặc các yêu cầu khác về điều kiện cho vay.

Chẳng hạn, tại Malaysia, bên cạnh hình thức tài trợ ký quỹ, với tỷ lệ ký quỹ tối thiểu và duy trì là 130%, công ty chứng khoán có thể cho các khách hàng vay thông qua hình thức tài trợ tùy chọn.

Thực chất của tùy chọn là việc công ty chứng khoán cho vay số tiền mà khách hàng chưa thanh toán tại ngày T+3 đối với các giao dịch mua tại ngày T. Tài sản bảo đảm có thể là tiền mặt hoặc các chứng khoán thuộc danh sách được chấp thuận, với tỷ lệ ký quỹ tùy thuộc vào chính sách của công ty.

Khách hàng phải thanh toán khoản tiền đã cho vay vào ngày T+3 trước 12h30 ngày T+7, nếu không thì công ty chứng khoán có quyền bán giải chấp chứng khoán trong tài khoản của khách hàng bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 12h30 ngày T+7 đến ngày T+8 mà không cần thông báo.

Tuy nhiên, công ty chấp nhận việc thanh toán của khách hàng bất cứ lúc nào trước khi giao dịch bán giải chấp được thực hiện, đồng thời có thể cho phép khách hàng bán ra bất kỳ chứng khoán nào đã mua tại ngày T trong khoảng thời gian từ sau khi mua đến trước 12h30 ngày T+7 để thanh toán khoản vay.

Trong khi đó, tại Singapore, giao dịch ký quỹ được thực hiện trên một tài khoản riêng, gọi là tài khoản giao dịch ký quỹ (margin trading account). Singapore cho phép cả nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng giao dịch ký quỹ. Tỷ lệ đòn bẩy là khác nhau đối với tài sản ký quỹ bằng tiền và chứng khoán giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, với nhà đầu tư trong nước, tỷ lệ ký quỹ ban đầu và duy trì tối thiểu là 140% tổng dư nợ. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ ký quỹ ban đầu và duy trì ở mức cao hơn là 160%. Nếu giá trị tài sản bảo đảm giảm xuống dưới mức ký quỹ duy trì, công ty chứng khoán sẽ tiến hành gọi ký quỹ bổ sung hoặc thực hiện lệnh bán ra bắt buộc chứng khoán ký quỹ trong tài khoản của khách hàng.

Tại Việt Nam, theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về giao dịch margin trong Quyết định số 87/QĐ-UBCK ngày 25/1/2017, tỷ lệ ký quỹ ban đầu của các nhà đầu tư không được thấp hơn 50%, tỷ lệ ký quỹ duy trì không thấp hơn 30%; tổng dư nợ cho vay margin của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu; nhà đầu tư nước ngoài không được vay margin.

Mặc dù margin có tác động tiêu cực khi thị trường giảm điểm, nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về cả lượng và chất dẫn, quy định cho vay margin cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Theo đó, nâng tỷ lệ cho vay ký quỹ sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường (tháng 7/2022, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE là 11.502 tỷ đồng, giảm 20,8% so với tháng 6 và giảm 55,6% so với tháng 3). Việc này được xem là phù hợp với xu thế của thế giới khi tại Malaysia và Singapore, tỷ lệ cho vay ký quỹ lên tới 130 - 140%. Từ cuối năm 2021, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo nâng tỷ lệ cho vay ký quỹ từ 50% lên 70%.

Điều quan trọng đối với hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ là phải có bộ lọc tốt để lựa chọn danh mục các mã chứng khoán đủ điều kiện được cấp margin.

Điều quan trọng là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần xây dựng được bộ lọc tốt để lựa chọn danh mục các mã chứng khoán đủ điều kiện được cấp margin.

Việc tăng cường khả năng quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán cũng cần được quan tâm, đồng thời với đó là nâng cao khả năng kỹ năng sử dụng margin cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét kinh nghiệm của Malaysia, đó là áp dụng hình thức tài trợ tùy chọn với việc thời gian thanh toán các khoản vay dài hơn (thanh toán từ ngày T+3 đến trước 12h30 ngày T+7). Sự linh hoạt trong việc thu hồi khoản vay có thể giúp giảm áp lực về tài chính cho các nhà đầu tư, cũng như giảm nguy cơ về việc phải bán giải chấp hàng loạt chứng khoán tại cùng một thời điểm, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Cơ quan quản lý cũng nên cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được vay margin để thúc đẩy tính thanh khoản. Mở rộng khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam sớm đạt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Phạm Tiến Đạt
Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục