Quản lý DNNN sau cổ phần hoá: Thừa và thiếu…

(ĐTCK) Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hết năm 2007 trên cả nước đã sắp xếp được 5.366 DN, trong đó cổ phần hoá 3.756 DN. Từ nay đến cuối năm 2010, số DNNN tiếp tục được sắp xếp và cổ phần hoá khoảng 2.000 đơn vị, trong đó cổ phần hoá 67 tổng công ty nhà nước.

Tuy nhiên, việc sắp xếp và cổ phần hoá DNNN mới chỉ là một công đoạn, vấn đề cần quan tâm hơn là việc tổ chức quản lý đối với các DN sau chuyển đổi. Hiện nay, các DNNN sau khi chuyển sang hình thức CTCP thì đại diện phần vốn nhà nước tại DN được quy định như sau: các tập đoàn, tổng công ty làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thành viên, công ty con được chuyển đổi; các công ty nhà nước độc lập trực thuộc bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi, sẽ do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu; đối với các tổng công ty nhà nước cổ phần hoá chưa có quy định cụ thể cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao cho SCIC làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số tổng công ty như Tổng CTCP Điện tử tin học Việt nam (Veic), Tổng CTCP Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Constrexim), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Cơ chế và nhân sự

Trong thời gian qua, đã xuất hiện không ít vấn đề trong việc quản lý đối với DNNN sau khi chuyển đổi. Những tồn tại nổi cộm từ cơ chế, chính sách như thuê đất và giao đất, phát hành cổ phiếu, khống chế quyền mua cổ phần của nhà ĐTNN..., phần nào đã gây khó khăn trong việc quản trị DN và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Một vấn đề tưởng nhỏ nhưng không kém phần quan trọng là việc khen thưởng đối với công ty nhà nước trước đây do các bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện, sau khi công ty đó chuyển sang CTCP thì chưa có cơ quan thực hiện việc này. Các thông tin phục vụ giám sát cũng rất nghèo nàn. Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu là hệ thống người đại diện cũng chưa được quy định rõ ràng. Việc quản lý đối với cán bộ có chức danh do Trung ương Đảng, Chính phủ quản lý tại tổng công ty sau cổ phần hoá chưa rõ, việc lựa chọn người đại diện chưa gắn với quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Thực tế cho thấy, một số bộ, ngành, địa phương không nghiêm chỉnh chấp hành việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại CTCP về SCIC. Thậm chí, một số bộ, địa phương thành lập một số tổng công ty, công ty mẹ để chuyển các DN đã chuyển đổi vào các đơn vị này để tránh chuyển giao về SCIC...

Giải pháp

Cần sớm nghiên cứu ban hành luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để điều chỉnh lĩnh vực ngành nghề Nhà nước đầu tư vốn, trình tự thủ tục về đầu tư vốn nhà nước; khắc phục tình trạng không thống nhất trong các quy định về đầu tư vốn nhà nước vào DN đang được quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư.

Về mô hình tổ chức, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Nhà nước chỉ thực hiện quyền chủ sở hữu vốn với vai trò là người đầu tư vốn trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của DN. Do đó, về mô hình đại diện chủ sở hữu, khuyến nghị như sau:

- Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn trong các công ty 100% vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực thường xuyên cung cấp các dịch vụ, sản phẩm công ích, quốc phòng; duy trì các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ 100% vốn nhà nước chuyên ngành quan trọng (bao gồm cả SCIC) hoặc có một phần vốn nhà nước tham gia.

- Đại diện chủ sở hữu có quyền thành lập mới, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu tổng công ty; quyết định đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ; quy định chế độ tài chính, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ, quy định cơ chế giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư…

- Tổng công ty có vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước thành lập, tổ chức bộ máy và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tổng công ty có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư.

Với chức năng đại diện chủ sở hữu như trên, tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với công ty nhà nước hình thành hai mô hình, đó là:

Thứ nhất, về lâu dài, thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập trực thuộc Chính phủ để thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn với vai trò là người đầu tư vốn tại các công ty này. Mô hình này có ưu điểm là xoá bỏ cơ chế chủ quản, tách rời chức năng quản lý nhà nước của các bộ, UBND cấp tỉnh và chỉ thực hiện mục tiêu đầu tư và phát triển vốn nhà nước.

Thứ hai, Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh được Chính phủ uỷ quyền hoặc phân cấp là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của tổng công ty, tập đoàn kinh tế, công ty mẹ và Hội đồng quản trị là đại diện trực tiếp đại diện chủ sở hữu tại các công ty này. Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cần có một tổ chức riêng tách rời chức năng quản lý nhà nước để thực hiện chức năng của đại diện chủ sở hữu.

Phan Hoài Hiệp
Phan Hoài Hiệp

Tin cùng chuyên mục