Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, việc quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được bảo đảm chặt chẽ, trang bị đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích; công tác bảo quản, kiểm kê đã đi vào nền nếp; công tác tuyên truyền, đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được Bộ Công an, các bộ, ngành và UBND các cấp thường xuyên thực hiện.
Những việc làm đó đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng trình Quốc hội lần này gồm 8 chương, 75 điều, quy định cụ thể về quản lý, sử dụng vũ khí; quản lý, sử dụng vật liệu nổ; quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...
Trong thảo luận, các đại biểu cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được xây dựng và ban hành sẽ thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này, bảo đảm tính hợp hiến và tương thích của luật với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đề cập đến những vấn đề cụ thể, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề về phạm vi điều chỉnh của Luật; hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; loại vũ khí quân dụng được trang bị; quy định nổ súng; về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ...
Đa số đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình hiện nay và có bổ sung một số nội dung phát sinh từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) đề nghị cần quan tâm bổ sung việc điều chỉnh đối với các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mới xuất hiện; các bộ phận của vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc của các loại có tính năng, tác dụng tương tự; các loại pháo nổ, pháo hoa, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực.
Đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) đề nghị cần có quy định rõ hơn các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, thực hiện nhiệm vụ độc lập, các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các quy định về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật Hình sự để cụ thể hóa trong luật nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn.
Về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, một số ý kiến đề xuất nên nghiên cứu theo hướng chỉ trang bị vũ khí quân dụng cho các đơn vị có lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc chỉ cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị này mới được giao quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng.
Về các loại vũ khí quân dụng được trang bị, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu thực tế của từng đơn vị, khắc phục tình trạng một số đơn vị được trang bị nhưng không có nhu cầu hoặc không phù hợp chủng loại, gây lãng phí.
Ngoài ra, nhiều ý kiến phát biểu cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để đề phòng việc lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ của những người được trang bị đe dọa tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân.
Tại hội trường, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tiếp thu các ý kiên phát biểu đóng góp của các đại biểu tại thảo luận cũng như giải trình, làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự án Luật.