Quan hệ nhà đầu tư yếu kém, cổ phiếu chỉ có sóng ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến mùa đại hội cổ đông, chủ đề quan hệ nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp lại được quan tâm.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Tôn trọng quyền cổ đông

Nếu để tuân thủ các quy định pháp luật thì công tác IR của doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông bao gồm các hoạt động liên quan đến việc tổ chức đại hội, như chốt danh sách cổ đông, gửi thư mời, gửi mẫu chỉ định ủy quyền, lên chương trình họp, chuẩn bị phiếu biểu quyết và các tài liệu thảo luận tại đại hội. Tuy vậy, ngay trong khâu tổ chức đại hội, nhiều doanh nghiệp đại chúng dường như vẫn chưa thực hiện tốt nghĩa vụ IR với cổ đông.

Thực tế cho thấy, mùa đại hội cổ đông năm nào cũng xảy ra tình trạng cổ đông ở một số doanh nghiệp than phiền về việc không nhận được thư mời dự đại hội, hay cổ đông gặp rắc rối trong vấn đề làm ủy quyền, hay tài liệu công bố thông tin chưa đầy đủ… Đặc biệt, không phải doanh nghiệp nào cũng dành thời gian cho cổ đông đặt câu hỏi trong khi diễn ra đại hội, nhiều thắc mắc của cổ đông chưa được lãnh đạo doanh nghiệp trả lời thấu đáo.

Anh Nguyễn Xuân Hòa, nhà đầu tư tại Hà Nội phản ánh một thực tế, các doanh nghiệp khi công bố nghị quyết đại hội cổ đông chỉ dừng lại ở việc cung cấp các kết quả được thông qua, trong khi các vấn đề phát sinh liên quan, hoặc những trao đổi giữa cổ đông và nhà đầu tư thường không được nhắc tới.

Việc không đảm bảo quyền lợi của cổ đông, cũng như làm khó cho cổ đông nhỏ lẻ tham dự đại hội đã gây bức xúc cho nhiều cổ đông, nhà đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của một số doanh nghiệp đại chúng.

Tuy nhiên, đáng ghi nhận là ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn đến công tác quan hệ nhà đầu tư. Không chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị chu đáo cho đại hội cổ đông, mà có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo.

Chẳng hạn, nhiều năm nay, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC) thường viết thư gửi tới cổ đông trong mỗi mùa đại hội.

Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 vừa ập đến, lãnh đạo HBC đã kịp thời có tâm thư trấn an cán bộ công nhân viên cũng như cổ đông…

Động thái này khiến cổ đông cảm thấy được trân trọng và yên tâm hơn khi cập nhật kịp thời thông tin nội tại và giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra để chống đỡ với tình hình khó khăn.

Tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM), theo ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc đối ngoại, IR là kênh thông tin quan trọng giữa Công ty với cổ đông và nhà đầu tư.

Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về công bố thông tin, VNM luôn tìm hiểu các thông lệ quốc tế được áp dụng rộng rãi để làm sao thông tin đến với cổ đông và nhà đầu tư kịp thời, đầy đủ và chính xác nhất.

Ông Tuấn cho biết: “Các báo cáo tài chính luôn được Công ty lập kịp thời và chính xác để công bố cho cổ đông và nhà đầu tư. Thông tin nội bộ phải được truyền đạt thông suốt từ Hội đồng quản trị đến các bộ phận liên quan và công bố ra bên ngoài. Cuối cùng, tất cả thông tin hoạt động phải được đăng tải trên trang web của công ty và thường xuyên cập nhật”.

IR, không thể theo mùa vụ

Không chỉ thực hiện trong mùa đại hội cổ đông, IR đã trở thành hoạt động thường xuyên ở nhiều doanh nghiệp, thông qua các hoạt động cung cấp thông tin, gặp gỡ nhà đầu tư…

Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Hòa cho biết, có nhiều doanh nghiệp làm công tác IR rất tốt như Hòa Phát, Vĩnh Hoàn… khi công bố thông tin định kỳ hàng tháng. Có thể chưa có con số lợi nhuận cụ thể hàng tháng nhưng việc cung cấp sản lượng, hay giá trị xuất khẩu… cũng giúp nhà đầu tư nắm bắt rõ hơn sức khỏe của doanh nghiệp.

Ba năm gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) đã thực hiện định kỳ hoạt động gặp gỡ nhà đầu tư và nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía cổ đông, nhà đầu tư. Có những cổ đông trực tiếp tham dự và có cả những cổ đông theo dõi sự kiện qua livestream.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) cũng tổ chức định kỳ một năm hai lần hội nghị nhà phân tích nhằm cung cấp các thông tin kịp thời cho nhà đầu tư.

Ông Lê Tiến Đông, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Chứng khoán của Hà Đô nhìn nhận, không chỉ trong mùa đại hội cổ đông, công tác IR nên được thực hiện một cách thường xuyên và lâu dài, thể hiện trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin liên tục, kịp thời và khách quan về mọi khía cạnh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần sự bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin cho các cổ đông, nghĩa là cổ đông lớn hay nhỏ đều được tiếp cận thông tin như nhau trong một thời điểm.

“Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, bất cứ thông tin nào dù tốt xấu liên quan đến doanh nghiệp đều có thể rò rỉ ra bên ngoài, nếu doanh nghiệp không cung cấp thông tin kịp thời càng dễ xảy ra hiểu lầm. Do vậy, chúng tôi chưa bao giờ từ chối, né tránh việc cung cấp thông tin tiêu cực về hoạt động của Công ty cho cổ đông”, ông Ðông nói.

Với một số doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ thông tin như FPT, MWG…, chuyên trang thông tin dành cho cổ đông trên website doanh nghiệp luôn được cập nhật một cách sinh động, kịp thời, dù là thông tin bắt buộc theo quy định hay không bắt buộc. Cổ đông có thể đăng ký nhận thông tin bằng e-mail thay vì lên website đọc.

Nhìn nhận về hoạt động IR của các doanh nghiệp đại chúng tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) bình luận, hoạt động IR của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có nhiều tiến bộ, nhưng chưa có sự đồng đều.

Theo ông Hải, công tác IR không chỉ tập trung cho mùa đại hội cổ đông, mà phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quan hệ nhà đầu tư lâu dài và bền vững.

Những doanh nghiệp có chính sách công bố thông tin càng rõ ràng, minh bạch và nhanh chóng bằng những kênh truyền thông hiệu quả cũng như cách ứng xử chuyên nghiệp cũng là cách PR tốt nhất cho doanh nghiệp. Vì điều này giúp doanh nghiệp truyền tải ra các thông điệp, chiến lược kinh doanh cũng như đưa hình ảnh doanh nghiệp gần gũi hơn với công chúng.

Nếu hoạt động IR yếu kém, chỉ xem đây là nghĩa vụ tại mỗi mùa đại hội cổ đông thì khi đó, thông tin không đến được cổ đông kịp thời…, cổ đông sẽ quay lưng với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

Ngược lại, nếu hoạt động IR yếu kém, doanh nghiệp chỉ xem đây là nghĩa vụ tại mỗi mùa đại hội cổ đông thì thông tin về doanh nghiệp không đến được cổ đông kịp thời, công khai…, cổ đông sẽ quay lưng với doanh nghiệp.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Trần Tiến Dũng nhận xét, những doanh nghiệp chú trọng đến công tác IR thường là các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, ngược lại, doanh nghiệp IR kém thì tính minh bạch và hiệu quả kinh doanh cũng kém. Do vậy, khi đầu tư vào những cổ phiếu của doanh nghiệp IR yếu kém, “cổ phiếu có thể tạo sóng ngắn hạn, nhưng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp này là rủi ro lớn cho nhà đầu tư”.

Ánh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục