Quan điểm khác biệt về chọn địa điểm sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn sự khác biệt khá lớn giữa UBND TP. Hà Nội và Bộ Giao thông - Vận tải về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô.
Quan điểm của UBND TP. Hà Nội về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khá khác biệt với quan điểm của Bộ GTVT Quan điểm của UBND TP. Hà Nội về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khá khác biệt với quan điểm của Bộ GTVT

“Ứng cử viên” Ứng Hòa

Sự quyết liệt là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 2146/UBND-ĐT vừa được UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào giữa tuần trước để góp ý Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng trở lại đây, lãnh đạo TP. Hà Nội có công văn tham gia ý kiến về một trong những đồ án quy hoạch công trình giao thông đặc biệt quan trọng, có tác động sâu rộng không chỉ đối với đời sống kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô, mà còn tới toàn bộ khu vực phía Bắc.

Tại Công văn số 2146, một lần nữa, UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh mong muốn cảng hàng không quốc tế lớn của Vùng Thủ đô phải được đặt tại Thủ đô, với vai trò, tính chất và quy mô xứng tầm với vị thế. UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc dự báo quy mô công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong giai đoạn trước đây chưa phù hợp với tốc độ phát triển ngành hàng không, quy mô công suất dự báo đến năm 2050 mà đơn vị tư vấn vừa đưa ra đã tăng gấp đôi so với dự báo tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị quỹ đất cho việc phát triển, mở rộng quy mô Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt công suất 100 triệu lượt khách/năm sẽ cần thêm 261 ha đất; dự kiến có khoảng 6.429 hộ dân với 26.639 nhân khẩu phải di dời. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, khó đạt được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, dễ phát sinh các thắc mắc, kiến nghị của người dân trong quá trình thực hiện.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội lo ngại, việc tập trung toàn bộ hành khách tại một điểm sân bay sẽ làm tăng lượng lưu thông qua các tuyến vành đai của Thành phố, trong khi địa phương vẫn có khả năng bố trí quỹ đất tại phía Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để xác định cảng hàng không quốc tế trong tương lai mang tính chất hỗ trợ, dự phòng đối với các trường hợp xảy ra sự cố không mong muốn.

“Bộ GTVT cần dự báo quy mô công suất cảng hàng không Thủ đô đạt khoảng 130-150 triệu lượt khách/năm đến năm 2050, đáp ứng tính dự báo, định hướng quy hoạch phát triển và chủ động chuẩn bị quỹ đất tương lai phù hợp, thay vì chỉ giới hạn ở quy mô 100 triệu lượt khách/năm như Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề cập”, Công văn số 2146 do ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký đề xuất.

Cũng tại Công văn số 2146, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét 2 phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội muốn Bộ GTVT xem xét quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với quy mô công suất khoảng 65 triệu lượt khách/năm, diện tích đất khoảng 1.493 ha (tương đương quy mô công suất dự báo đến năm 2030), đồng thời nghiên cứu quy hoạch bổ sung cảng hàng không quốc tế thứ hai tại khu vực phía Nam TP. Hà Nội, với quy mô công suất 65 triệu lượt khách/năm để đạt tổng công suất khoảng 130 triệu lượt khách/năm.

Trong trường hợp Bộ GTVT xác định quy hoạch nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên đến 100 triệu lượt khách/năm, UBND TP. Hà Nội vẫn đề nghị đơn vị chủ trì lập quy hoạch cần nghiên cứu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai với quy mô công suất đạt 50 triệu lượt khách/năm đến năm 2050, để địa phương có cơ sở chuẩn bị quỹ đất xây dựng, cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan.

Về vị trí dự kiến quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai, UBND TP. Hà Nội tiếp tục đề xuất tại khu vực huyện Ứng Hòa. Sân bay thứ hai Vùng Thủ đô, theo UBND TP. Hà Nội đánh giá là khá phù hợp do Ứng Hòa cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng 54 km; cách sân bay Miếu Môn, khu vực trường bắn Miếu Môn ở phía Tây Bắc khoảng 20 km; cách các dãy núi đá Trung Sơn, Vĩnh An phía Tây khoảng 14 km.

Bên cạnh đó, vị trí này còn có các điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông thông qua các loại hình: đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc phía Đông, đường vành đai 5 Vùng Thủ đô, Quốc lộ 5, Quốc lộ 7A); đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam); đường thủy (sông Hồng và cảng Phú Xuyên - Vạn Điểm) và khá thuận lợi về giải phóng mặt bằng với quỹ đất bố trí cho sân bay thứ hai vào khoảng 1.300 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp, diện tích giải phóng mặt bằng khu dân cư thấp).

Giới hạn quy mô 100 triệu lượt khách/năm

Quan điểm về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô của UBND TP. Hà Nội đang khá khác biệt với Bộ GTVT.

Trong Công văn số 6594/BGTVT-KHĐT gửi UBND TP. Hà Nội hôm 9/7 về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, Bộ GTVT vẫn muốn lãnh đạo Thủ đô ủng hộ phương án phát triển Cảng hàng không Nội Bài với quy mô 100 triệu lượt khách/năm và nghiên cứu quy hoạch cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, khu vực Thủ đô giai đoạn sau năm 2030.

Theo Bộ GTVT, trong quá trình lập quy hoạch, các đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tương ứng 3 phương án hoạch định cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô về quy mô, vị trí và thời điểm nghiên cứu.

Sau khi phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của các phương án phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các đơn vị đã kiến nghị phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030 đáp ứng quy mô 60 - 65 triệu lượt khách/năm; giai đoạn đến năm 2050 đáp ứng quy mô khoảng 100 triệu lượt khách/năm.

Bộ GTVT cho rằng, phương án này có nhiều ưu điểm vượt trội là cảng hàng không quốc tế có quy mô lớn, xứng đáng với vị thế và vai trò chính trị của Thủ đô Hà Nội; có khả năng phát huy tối đa hiệu quả tài chính, kinh tế và lợi thế về vị trí của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Về giao thông kết nối, Bộ GTVT cho biết, ngoài các tuyến đường bộ, hiện đã hoạch định 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối tới Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (tuyến số 2 và số 6), đáp ứng giải tỏa hành khách với công suất quy hoạch 100 triệu lượt khách/năm, tương tự một số cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, diện tích đất chiếm dụng cơ bản phù hợp với các quy hoạch hiện hữu và có chi phí đầu tư, chi phí vận hành khai thác thấp hơn các phương án khác.

Về phương án hoạch định cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên (địa hình, hướng gió…), khả năng đáp ứng của vùng trời, phương thức bay, công nghệ quản lý bay của Việt Nam hiện nay, Bộ GTVT cho biết, tư vấn và nhiều cơ quan liên quan đều đánh giá vị trí Ứng Hòa không khả thi để bố trí cảng hàng không mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Cảng hàng không Nội Bài. “Các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Về thời điểm nghiên cứu cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, Bộ GTVT cho biết, theo hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu xác định vị cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô sau năm 2040.

Tuy nhiên, ghi nhận kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT tiếp thu và sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phục hồi, phát triển của vận tải hàng không sau đại dịch Covid-19 để có đầy đủ số liệu, cơ sở nghiên cứu vị trí cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô (gồm cả khu vực phía Đông, phía Nam Thủ đô và vùng lân cận), dự kiến sau năm 2030.

Ngày 23/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cụ thể hóa các phương án nghiên cứu vị trí cảng hàng không thứ hai của Vùng Thủ đô trên bản đồ Vùng Thủ đô, trong đó thể hiện chi tiết vị trí các sân bay quân sự hiện hữu (hoặc đã có quy hoạch), vùng cấm bay, trường bắn quân sự...; các điểm khống chế ảnh hưởng tới vị trí dự kiến bố trí cảng hàng không; đường bay, phương thức tiếp cận của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các vị trí quy hoạch sân bay dự kiến (Ứng Hòa, Miếu Môn, Thanh Miện, Tiên Lãng,...).

“Các đơn vị phải đánh giá tổng thể về ưu, nhược điểm của các phương án bố trí cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô. Yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 30/6/2021”, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục